Hiệu quả từ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế

Dự án 'Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo' trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện ở các địa phương gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đến nay, các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân và hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, từ giữa năm 2020 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) đã triển khai 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân ở 7 xã, gồm: Liên Trường (Quảng Trạch), Quảng Thủy (TX. Ba Đồn), Tây Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), Xuân Hóa (Minh Hóa), Thuận Hóa (Tuyên Hóa) và Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).

Cụ thể, các dự án hỗ trợ cho 217 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia với mô hình chăn nuôi gà thả vườn, gà đẻ trứng, ngan đen và lợn thịt.

Theo ông Trần Quang Viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT, mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo việc làm trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và xây dựng mỗi xã một dự án chăn nuôi để chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân thực hiện hoạt động chăn nuôi đạt kết quả cao. Từ đó, tạo sinh kế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từng bước ổn định đời sống, phát triển sản xuất bền vững. Trên cơ sở đó, một số mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình tạo điều kiện để người nghèo thay đổi tập quán sản xuất.

Hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình tạo điều kiện để người nghèo thay đổi tập quán sản xuất.

Tiêu biểu, mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng có 62 hộ được chọn hưởng lợi (15 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo và 15 hộ mới thoát nghèo) ở các xã Liên Trường, Quảng Thủy và Tây Trạch. Mô hình thực hiện từ tháng 8-2020 đến tháng 2-2021 với số lượng 6.200 con gà giống lai ri lông màu được cấp cho các hộ nuôi.

Trong quá trình nuôi, các hộ nuôi được tham gia tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ các bệnh thường gặp và nâng cao kiến thức về thị trường; thực hiện chăm sóc đàn gà theo yêu cầu kỹ thuật; 100% hộ đều có chuồng trại cố định, che chắn cẩn thận và thường xuyên được phun khử trùng, vệ sinh sạch sẽ…

Nhờ đó, đến thời điểm này, mô hình có kết quả khả quan với tỷ lệ gà sống bình quân đạt trên 66%, cao nhất là xã Tây Trạch đạt trên 79%, xã Liên Trường 73%; trọng lượng bình quân hơn 1,4kg/con; hiện tại gà đẻ trứng và dự kiến năng suất trứng là trên 80 quả/mái/48 tuần đẻ…

Chị Phan Thị Lý, ở thôn Võ Thuận 1, xã Tây Trạch chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo do bị bệnh tật thường xuyên và thiếu vốn làm ăn. Dự án đã hỗ trợ gà giống và thức ăn, tập huấn kiến thức để gia đình triển khai mô hình chăn nuôi. Với sự chịu khó chăm sóc, mô hình nuôi gà được duy trì và hứa hẹn sẽ có nguồn thu ổn định trong thời gian tới để cải thiện kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Ngoài các dự án hỗ trợ do Chi cục PTNT thực hiện, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã do các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai cũng tạo chuyển biến tích cực cho công tác giảm nghèo tại các địa phương thực hiện dự án. Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, năm 2020, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135 được bố trí nguồn kinh phí trên 4,3 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng của của các hộ dân hưởng lợi gần 1 tỷ đồng, các địa phương đã thực hiện 16 dự án, mô hình (chăn nuôi gà, ngan, vịt, lợn, nuôi ong, bò sinh sản và trồng trọt…) cho 687 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hưởng lợi.

Qua việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình cho thấy, hầu hết các mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135 bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện, động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đáng kể, các mô hình, dự án hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền và nhu cầu, nguyện vọng của người dân... Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Viên, kinh nghiệm thực hiện các dự án giảm nghèo một cách hiệu quả để phát triển và nhân rộng là cần có các giải pháp linh hoạt gắn với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phải được duy trì thương xuyên.

Ông Trịnh Đình Dương cũng nhấn mạnh, Sở LĐ-TB-XH luôn phối hợp và chỉ đạo các địa phương, đơn vị trực thuộc lồng ghép các chương trình, dự án do đơn vị mình quản lý để tập trung triển khai các hiện mô hình giảm nghèo. Có như vậy, các địa phương mới tạo được chuyển biến rõ nét trong thực hiện nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân...

Thùy Lâm

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/su-no-luc-phan-dau-vuon-len-thoat-ngheo-cua-nguoi-ngheo-ho-ngheo-la-nhan-to-quyet-dinh-thanh-cong-cua-cong-cuoc-giam-ngheo-hieu-qua-tu-ho-tro-phat-trien-san-xuat-da-dang-hoa-sinh-ke-2189525/