Hiệu quả từ trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Mai Sơn có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Những năm qua, huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình nuôi nhốt gia súc gắn với trồng cỏ, góp phần tăng đàn, tăng giá trị kinh tế của ngành chăn nuôi.

Nông dân xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Nông dân xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Mùa này, dọc hai bên đường đến các bản của xã Tà Hộc rợp màu xanh của cỏ voi. Người dân tận dụng những khoảng đất trống trong vườn nhà, bờ ruộng, bờ ao, hàng rào, đồi nương để trồng cỏ. Theo thống kê, xã có trên 80% số hộ chăn nuôi gia súc, hộ ít thì nuôi 2-3 con, hộ nhiều thì nuôi vài chục con. Nhân dân đã trồng được 35 ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò.

Gia đình ông Hà Văn Chùm, bản Hộc, xã Tà Hộc là một trong những hộ thoát nghèo từ chăn nuôi trâu bò. Những năm trước, thu nhập chính của gia đình ông phụ thuộc việc trồng ngô, sắn trên nương, nhưng thu nhập ngày càng giảm, do canh tác nhiều năm, đất bạc màu, năng suất thấp. Năm 2018, nhận thấy đất đai rộng lớn, thuận lợi cho việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, bằng nguồn vốn của gia đình và vay thêm họ hàng, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Ông Chùm cho biết: Từ 3 con bò mẹ ban đầu, mỗi năm sinh ra 2-3 con bê con, sau 6 tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Mỗi con bò giống, bán từ 12-15 triệu đồng. Từ trồng cỏ nuôi bò, gia đình đã có của ăn của để, không vất vả như trước nữa.

Còn gia đình ông Lò Văn Hợp, bản Khoang Liềng, xã Chiềng Dong, năm 2012, sau khi được đi thăm quan, học hỏi một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, ông thấy mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, bước đầu mua 5 con bò giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, sau một năm chăn nuôi thử nghiệm thành công, nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập ổn định, ông đã đầu tư mở rộng khu chăn nuôi, xây dựng thêm một dãy chuồng, duy trì một lứa nuôi từ 20-30 con trâu, bò. Mỗi năm, gia đình ông bán trâu, bò thành 2 đợt, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 200-300 triệu đồng.

Việc trồng cỏ, phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn giúp người chăn nuôi hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thấy rõ các lợi ích đó, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn đã ban hành chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả”, đặt mục tiêu phát triển 2.000 con trâu, bò trở lên/năm và cải tạo bằng các giống bò lai, có năng suất, chất lượng cao.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, các đợt tham quan học tập các mô hình chăn nuôi đã thành công để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ theo hướng hàng hóa; cải tạo đàn bò theo hướng bò lai zebu, bò F1, F2 3B, lai sind; vận động các hộ chuyển đổi dần từ hình thức chăn nuôi từ chăn thả tự do sang làm chuồng trại nuôi nhốt.

Sau 10 tháng triển khai chủ trương, toàn huyện đã phát triển thêm 1.906 con bò lai các loại, nâng tổng số đàn trâu, bò lên trên 42.700 con, tăng 10% so với cùng kỳ; vận động 465 hộ chuyển đổi từ chăn thả rông sang nuôi nhốt; trên 1.300 hộ đã đầu tư kinh phí tu sửa chuồng trại. Bên cạnh việc phát triển đàn gia súc chất lượng cao, nông dân trên địa bàn đã trồng mới được 225 ha cỏ. Diện tích chủ yếu tập trung vào đất dư thừa ven ao, hồ, sông suối và trồng xen cây ăn quả, cây lương thực, cây lâm nghiệp và làm đường băng chống xói mòn trên đất dốc. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn gần 2.000 hộ chăn nuôi ủ chua hơn 7.000 tấn cỏ, ngô sinh khối, rơm dự trữ thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho trâu bò.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng tổ công tác, thông tin: Ngoài việc vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ, cải tạo đàn bò giống chất lượng, Tổ công tác cũng đã kết nối tiêu thụ cho bà con được 314 con bò và hàng trăm tấn cỏ, ngô sinh khối không sử dụng hết bán cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Châu, Sông Mã. Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung đang được huyện Mai Sơn khuyến khích, hỗ trợ đã mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa rộng khắp với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, mở ra cơ hội bứt phá, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-tu-trong-co-gan-voi-chan-nuoi-dai-gia-suc-54690