Hiệu quả xã hội hóa giáo dục ở Nậm Pồ

ĐBP - Những năm qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Nậm Pồ đã tích cực kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường, lớp, nhà bán trú khang trang cho học sinh. Kết quả sau 5 năm, số trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Nậm Pồ tăng vượt bậc. Nậm Pồ trở thành địa phương điển hình của tỉnh Ðiện Biên trong kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho sự nghiệp 'trồng người'...

Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Ðán, xã Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ) đón học sinh năm học 2019 - 2020.

Trao đổi về công tác xã hội hóa giáo dục, hoàn thiện hệ thống trường, lớp học, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Nậm Pồ cho biết: Thời điểm chia tách, thành lập huyện (năm 2013) hệ thống trường lớp ở tất cả các xã còn tạm bợ và thiếu thốn. Năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 664 phòng học thì 142 phòng khung gỗ (nhiều phòng xuống cấp), 133 phòng tạm bằng tranh tre, nứa lá; phòng công vụ, nội trú học sinh có 476 phòng, trong đó gần 200 phòng là tạm lợp lá và vải dứa. Khi ấy, để đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất cho việc dạy và học của thầy và trò, toàn huyện cần thêm gần 200 phòng học, 300 phòng nội trú học sinh. Ðây là nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền huyện nói chung, của ngành GD&ÐT huyện Nậm Pồ nói riêng. Do đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, khẩn trương kêu gọi đầu tư, xã hội hóa giáo dục với mục tiêu: Ít nhất trong 3 năm học tiếp theo phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống trường, lớp, nhà ở “3 cứng” cho thầy và trò Nậm Pồ.

Nhờ sự vào cuộc của chính quyền huyện và nỗ lực kêu gọi xã hội hóa giáo dục trong toàn ngành, thời điểm đó, Phòng GD&ÐT huyện đã huy động được nguồn xã hội hóa trên 3,15 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân trong tỉnh để tu sửa, xây mới các lớp học, nhà ở bán trú cho học sinh. Kết thúc năm học 2013 - 2014, toàn huyện dựng mới được 116 phòng học, 106 phòng nội trú và nhà công vụ giáo viên, 49 bếp ăn tập thể, sửa chữa láng bê tông được trên 10.200m2 sân trường và nền phòng...

Sau thành công đó, Phòng GD&ÐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện Nậm Pồ ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu kêu gọi xã hội hóa giáo dục để kiên cố hóa trường, lớp học theo tiêu chuẩn “3 cứng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thực hiện kế hoạch, Phòng GD&ÐT huyện Nậm Pồ đã thành lập các tổ công tác đến từng điểm bản, điểm trường nắm thực trạng, nhu cầu của nhà trường và khả năng huy động từ nhân dân. Kế hoạch, chủ trương và cách làm được công khai đến toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân, trên cơ sở trường nào khó khăn thì hỗ trợ nhiều hơn, trường nào thuận lợi thì chủ yếu kêu gọi ủng hộ từ nhân dân, cha mẹ học sinh để đỡ chi phí. Vật liệu sẵn có tại địa phương, như: ván gỗ, cát, sỏi đều do người dân tự khai thác; việc san nền, dựng nhà do giáo viên, cha mẹ học sinh góp sức làm - ông Nguyễn Xuân Thuận cho biết thêm.

Người dân xã Nà Hỳ thi công nền nhà bán trú cho học sinh trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ số 1, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Mai Giáp

Bằng cách làm cụ thể, tận tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn huyện và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn, cơ sở vật chất, trường, lớp học của Nậm Pồ thay đổi rõ rệt. Ðặc biệt, năm học 2017 - 2018, Phòng GD&ÐT đã huy động được trên 12 tỷ đồng xã hội hóa giáo dục và 10.000 ngày công của phụ huynh, học sinh, nhân dân trên địa bàn để tu sửa, làm mới 318 phòng học, phòng làm việc đạt tiêu chuẩn “3 cứng”; 375 phòng nội trú, 21 bếp ăn tập thể, 49.329m2 sân bê tông, 23.000m tường bao, 31 sân khấu nhà trường, 105 nhà vệ sinh tại các trường học... Cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện, chất lượng dạy và học ngày càng tốt hơn. Ðến nay, toàn huyện Nậm Pồ đã có 25 trong tổng số 40 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Nậm Khăn (xã Nậm Khăn) - là trường mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2019. Ðưa chúng tôi đi thăm từng phòng học trong khuôn viên nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Chinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường chúng tôi nằm trên địa bàn xã khó khăn bậc nhất của huyện nghèo Nậm Pồ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, các điểm trường ở bản xa trung tâm, như: Huổi Noỏng, Huổi Vang, Nậm Pang... vẫn còn những lớp học nhà tạm. Ðược sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Phòng GD&ÐT huyện, cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất nhà trường dần được tu sửa, đổi mới theo phương châm “có đến đâu làm chắc đến đấy”. Qua mỗi năm, nhà trường hoàn thiện dần các lớp học ở một điểm bản. Ðến nay, toàn bộ các lớp học của nhà trường đã được kiên cố, đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (mái cứng, khung cứng, nền cứng). Ðến năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Nậm Khăn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong niềm vui của tập thể giáo viên, học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn”.

Phương Liên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/175363/hi%E1%BA%B9u-qu%E1%BA%A3-xa-hoi-hoa-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-o-nam-po