Himalaya 'bức tường' ngăn Trung - Ấn

Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài 5.500km, dọc theo dãy núi Himalaya. Đến nay nhiều khu vực vẫn chưa được phân định rõ ràng về chủ quyền lãnh thổ. Thỉnh thoảng binh lính hai nước lại xảy ra xung đột. Từ khi được độc lập (Trung Quốc năm 1949, Ấn Độ năm 1950), quan hệ giữa hai cường quốc đông dân nhất thế giới này chưa bao giờ thuận buồm, xuôi gió.

Những năm gần đây, nguyên thủ hai nước thỉnh thoảng gặp nhau bên lề các cuộc họp cấp cao của khu vực và thế giới như tại các hội nghị thượng đỉnh hợp tác Thượng Hải (thường niên), hội nghị các cường quốc kinh tế G20... Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình công du Ấn Độ (không phải thăm chính thức) nhưng đôi bên không có bất cứ thông báo nào thể hiện sự cải thiện quan hệ song phương.

Trước đây, năm 1959, Ấn Độ đã cho Đức Đà Lai Lạt Ma thứ 14 (ôngTen Zin) sống lưu vong khi Trung Quốc chiếm giữ Tây Tạng. Vị lãnh tụ tôn giáo và là biểu tượng tinh thần của người Tây Tạng này luôn có tư tưởng bất đồng với Chính quyền Bắc Kinh (năm 1989, ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình).

Về tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc cho rằng gần 100 nghìn km2 thuộc dãy Himalaya (Nam Tây Tạng) là của mình, nhưng vùng này lại thuộc chủ quyền Ấn Độ, nằm trong bang Pradesh. Phía Niu Đê-Li cho rằng Trung Quốc chiếm khoảng 40 nghìn km2 ở cao nguyên Aksai Chin vốn thuộc về đất nước Ấn Độ.

Trung Quốc ủng hộ nước Pakistan trong việc tranh chấp biên giới với Ấn Độ tại khu vực Jamma và KaShmir. Ấn Độ lại ủng hộ nước Bhutan khi nước này tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc (Bhutan là nước láng giềng cùng chung biên giới nhưng không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc).

Cuối tháng 5-2020, Ấn Độ điều 5.000 quân đến vùng Ladakh thuộc Kashmir của Ấn Độ tiếp giáp vùng Aksai Chin do Trung Quốc đang kiểm soát. Hiện, Trung Quốc có hàng nghìn quân và nhiều loại vũ khí, khí tài đồn trú ở khu vực này. Sau sự cố xô xát lẫn nhau, hai bên đều điều thêm quân, dựng doanh trại, vận chuyển vũ khí, khí tài, đào công sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến nếu xảy ra.

Phía Ấn Độ tố cáo binh lính Trung Quốc đã gây gổ ném đá, dùng gậy gộc tấn công lực lượng biên phòng Ấn Độ. Phía Bắc Kinh lại cáo buộc chính Ấn Độ vi phạm xâm lấn giới tuyến thuộc địa phận Trung Quốc. Các cuộc ẩu đả đã làm cho khoảng 100 lính vũ trang của cả hai bên bị thương.

Về vấn đề biên giới, từ xưa đến nay đã có 20 cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng chưa tìm kiếm được giải pháp và sự dung hòa để giải quyết ổn thỏa. Cả hai bên đều cho rằng phần lãnh thổ đang tranh chấp là của mình, nhưng các tư liệu lịch sử và hiện tại đều không đủ căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền thuộc nước nào.

Thực tế nhiều vùng giáp giới là nơi hẻo lánh, núi cao, vực sâu, địa hình rất hiểm trở, dường như không có người cư trú, từ xưa vốn là đất vô chủ không ai tuyên bố là địa phận của mình. Ngoài cuộc chiến quy mô năm 1962, cứ vài năm một lần binh lính đôi bên lại có các cuộc đụng độ nhỏ, lẻ tại các khu vực đang tranh chấp.

Thường thì cứ có các cuộc xô xát hai bên đều đổ lỗi cho nhau và tổ chức dàn binh, bố trận phô trương sức mạnh thị uy, hù dọa nhau. Dư lận đánh giá rất khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn. Hai cường quốc quân sự có lực lượng quân đội đông nhất lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân rất lớn nên họ hiểu rằng nếu chiến tranh xảy ra sẽ nguy cơ dẫn đến những thảm họa vô cùng tàn khốc cho cả đôi bên.

Đầu tháng 6 vừa qua, phía Trung Quốc do Thiếu tướng Liu Lin, Tư lệnh Nam quân khu Tân Cương, phía Ấn Độ do Trung tướng Harinder Sing, Tư lệnh Quân đoàn 14 dẫn đầu đã ngồi vào bàn đàm phán tìm cách gỡ sự bế tắc trước nguy cơ đối đầu vũ trang. Tuy nhiên, chưa có tín hiệu lạc quan báo hiệu biên giới sẽ được bình yên trong những ngày tới.

Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu, năm 2020 Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Nga) với trên 2 triệu binh sĩ, 3.500 xe tăng, 3.200 máy bay, trên 700 tàu chiến, 290 đầu đạn hạt nhân. Ấn Độ có sức mạnh quân sự xếp thứ 4 với trên 1.500 nghìn quân, trên 2 nghìn máy bay, 4 nghìn xe tăng, có 140 đầu đạn hạt nhân…

L.C

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/quoc-te/himalaya-%E2%80%9Cbuc-tuong%E2%80%9D-ngan-trung-an-271917-86.html