Hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Báo cáo số 13176/BC-BQP ngày 25-11-2019 của Bộ Quốc phòng về đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) đã xác định có 3 nhóm chính sách mới cần đánh giá tác động, bao gồm: Xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; Luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; Chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào tổ chức tuần tra song phương. Ảnh: Tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào tổ chức tuần tra song phương. Ảnh: Tư liệu

Trong đó, nhóm chính sách thứ hai “Luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP” được Bộ Quốc phòng đề nghị thực hiện, trên cơ sở làm rõ những vấn đề bất cập, mục tiêu giải quyết vấn đề, các giải pháp đề xuất để giải quyết vấn đề, đánh giá tác động của các giải pháp (tác động về kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính, giới, hệ thống pháp luật). Điều 19, Luật BPVN đã chính thức ghi nhận quy định mới này với các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Luật BPVN quy định 3 nhóm hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia gắn liền với những trường hợp nhất định.

Một là, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên. Đây là hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được áp dụng trong trường hợp tình hình chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới ổn định. Trong hình thức này, các hoạt động ở biên giới diễn ra bình thường, chưa có các nguy cơ, mối đe dọa đến sự ổn định tình hình mọi mặt ở khu vực biên giới; các đơn vị BĐBP tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới theo quyết tâm, kế hoạch bảo vệ biên giới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo quân số và thực hiện các chế độ theo quy định.

Hai là, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường. Hình thức này được áp dụng trong 4 nhóm trường hợp cụ thể: 1) Khi có sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng diễn ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hai bên biên giới; 2) Khi tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội một số địa bàn ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp; 3) Khi địa bàn ngoại biên, khu vực biên giới đang tiến hành diễn tập quân sự, an ninh, trật tự, xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn hoặc đang tiến hành hoạt động truy bắt tội phạm mà đối tượng phạm tội có thể vượt qua biên giới; 4) Khi lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới đề nghị. Trong hình thức này, các đơn vị BĐBP sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch bảo vệ biên giới, tổ chức thực hiện quyết tâm, kế hoạch đã được điều chỉnh, bổ sung; tăng cường sự chỉ huy, chỉ đạo, lực lượng, phương tiện trong quản lý, bảo vệ biên giới và quyết định các biện pháp cấp bách phù hợp với tình hình cụ thể.

Ba là, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh. Ở hình thức này, BĐBP cần tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng. Trong đó, Luật Quốc phòng Việt Nam năm 2018 nêu rõ: Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành vi xâm lược hoặc bạo loạn có vũ trang nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh (khoản 2, Điều 2); Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện; được áp dụng khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình (khoản 1, khoản 2, Điều 21); Giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm. Lệnh giới nghiêm được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng (khoản 1, khoản 2, Điều 22); Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế (khoản 9, Điều 2).

Thứ hai, về thẩm quyền quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Luật BPVN quy định thẩm quyền quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của người chỉ huy quân sự cao nhất trong lực lượng BĐBP (Tư lệnh BĐBP) và trong Quân đội (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Trong đó, Tư lệnh BĐBP quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường, báo cáo ngay Bộ Quốc phòng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh. Điều này phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Ngoài ra, để thống nhất nhận thức và thực hiện các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên, tăng cường, bảo đảm hiệu quả của các hoạt động diễn ra trong các hình thức đó, khẳng định vai trò quan trọng của Quân đội; Luật BPVN xác định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quy định chi tiết đối với hai hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên, tăng cường trong văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Như vậy, với việc luật hóa hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong Điều 19, Luật BPVN đã góp phần củng cố cơ sở pháp lý vững chắc để BĐBP thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ (Điều 14); tham gia thực hiện các nhiệm vụ biên phòng (Điều 5); khẳng định vị trí là “lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới” (Điều 13). Đồng thời, quy định trên trong Luật BPVN đã ghi nhận quan điểm đề xuất của Bộ Quốc phòng về mục tiêu của chính sách mới cần được quy định thống nhất trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao, đó là: Việc luật hóa hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ đảm bảo tính chủ động cho BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong các tình huống, trạng thái, mức độ khác nhau, nâng cao tính phòng ngừa, phòng thủ biên giới; tạo cơ sở pháp lý để lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn diện về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; cũng như tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác phối hợp, kịp thời huy động lực lượng, tài sản... cần thiết để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hinh-thuc-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post438018.html