Hờ A Dì - gương sáng ở La Pán Tẩn

Với quyết tâm tích cực lao động sản xuất, tự lực, tự cường, vượt khó đi lên bằng nội lực, đặc biệt tận dụng lợi thế của Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải để phát triển kinh tế, anh Hờ A Dì không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu bền vững, trở thành tấm gương sáng ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải).

Mô hình homestay See bungalow của anh Hờ A Dì được du khách chọn là điểm đến lý tưởng

Mô hình homestay See bungalow của anh Hờ A Dì được du khách chọn là điểm đến lý tưởng

La Pán Tẩn là xã vùng cao địa hình hầu hết là đồi núi dốc, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp; tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn chưa được khai thác triệt để. Đời sống của nhân dân tuy có chuyển biến tích cực song trên địa bàn xã có trên 99% là đồng bào Mông vẫn còn nhiều hộ thuộc diện khó khăn.

Làm gì để phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, những năm qua, anh Hờ A Dì, sinh năm 1992, luôn băn khoăn, suy nghĩ tìm hướng đi mới, cách làm mới trong phát triển kinh tế.

"Sau nhiều năm trăn trở suy nghĩ và tìm tòi học hỏi trên các trang mạng xã hội cũng như những mô hình phát triển du lịch tiêu biểu của huyện và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi nhận thấy để đảm bảo đời sống cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm giúp đỡ bà con nơi mình sinh ra, đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và quảng bá hình ảnh quê hương Mù Cang Chải đến bạn bè trong và ngoài nước thì chỉ có cách làm kinh tế du lịch”, anh Dì chia sẻ.

Với lợi thế về tài nguyên đất có sẵn cả gia đình, trên địa bàn xã có đồi Mâm Xôi và những thửa ruộng bậc thang làm say đắm bao du khách, được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt nên việc "biến di sản thành tài sản", mang lại lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch cộng đồng đã thôi thúc anh Dì hơn bao giờ hết.

Anh Dì cho biết: "Sau khi tiếp xúc, học hỏi về cách thức hoạt động của mô hình du lịch cộng đồng, tôi ấp ủ ý định khởi nghiệp từ làm homestay vì nhà có đất rộng, phù hợp với hoạt động này. Hơn nữa, khi nắm bắt chủ trương của huyện về phát triển Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch vào năm 2025 và sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, tôi quyết định xây dựng mô hình du lịch homestay mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải”.

Suy nghĩ là vậy, nhưng khi bắt tay vào triển khai đâu có dễ. Bởi thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư ít, năng lực hiểu biết về du lịch bản địa còn hạn chế. Nhưng với tư duy "khó ở đâu gỡ ở đó”, cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ của bạn bè, năm 2021, anh Hờ A Dì mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện để xây dựng 6 phòng nghỉ khép kín và tạo cảnh quan ngoài trời...

Mô hình homestay See bungalow của anh Hờ A Dì với 6 phòng nghỉ, hàng năm đón trên 500 lượt khách

Mô hình homestay See bungalow của anh Hờ A Dì với 6 phòng nghỉ, hàng năm đón trên 500 lượt khách

Sau khi hoàn thành việc xây dựng homestay, làm gì để có khách đến với gia đình, Hờ A Dì dành nhiều thời gian tự nghiên cứu, tìm hiểu trên các trang thông tin của tỉnh, huyện và các trang mạng xã hội, cùng sự hướng dẫn của phòng chuyên môn nhằm đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, liên kết các hộ cùng làm, các công ty lữ hành để phát triển du lịch. Hơn nữa, phần nhiều du khách đến mô hình homestay của gia đình anh là khách nước ngoài nên A Dì đã tự học thêm tiếng Anh giao tiếp để phục vụ công việc.

Với những lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống đồng bào Mông đa dạng, độc đáo, những năm qua, anh Hờ A Dì đã tích cực khai thác và phát triển dịch vụ homestay, trải nghiệm gắn với ruộng bậc thang. Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình homestay của gia đình đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh Kalyan Daggupati - du khách đến từ Ấn Độ phấn khởi: Đến với Homestay See bungalow của anh Dì, chúng tôi rất vui. Ở đây ngoài việc sinh hoạt tập thể, còn được trải nghiệm rõ nét cuộc sống thường ngày của người dân bản địa như: đi cày, bừa, cấy lúa, bắt cá ruộng, gặt lúa; học một số nhạc cụ truyền thống như khèn, sáo và tham quan những thửa ruộng bậc thang, nhất là chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước đổ ở đồi Mâm Xôi. Thật tuyệt!

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, hàng năm homestay See bungalow của gia đình Hờ A Dì đã đón trên 500 lượt khách, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ 4 hộ gia đình trong bản xây dựng mô hình homestay, mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Đồng chí Phạm Tiến Lâm - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn cho biết: "Hờ A Dì là tấm gương vượt khó, luôn tìm tòi sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, không tự ti, không cam chịu đói nghèo, tiếp cận cái mới, cách làm sáng tạo và có khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến và làm giàu chính đáng. Trong thời gian tới, địa phương cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển nhà nghỉ cộng đồng đúng với quy hoạch, kế hoạch, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan ruộng bậc thang; tiếp tục nghiên cứu hình thành các tour, tuyến du lịch mới và củng cố nâng cấp các tour, tuyến đã có”.

Với tư duy sáng tạo, nói nhiều làm ít, biến khó thành dễ, anh Hờ A Dì đã phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang trên địa bàn xã La Pán Tẩn, góp phần hiệu quả quảng bá con người và thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa dân tộc của Mù Cang Chải đến bạn bè trong và ngoài nước. Mô hình thêm một lần nữa là minh chứng cho việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Mông vùng cao Mù Cang Chải cũng như các vùng văn hóa đậm bản sắc dân tộc khác của tỉnh Yên Bái. Qua mô hình cũng giúp người dân bản địa nâng cao ý thức, gắn phát triển kinh tế bèn vững với bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Văn Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/325071/ho-a-di---guong-sang-o-la-pan-tan.aspx