Hồ sơ mật: Điệp viên Mossad và hành trình truy lùng 'đồ tể Riga' – Phần 2

'Đồ tể Riga' đã trốn sang Brazil, nhập tịch, cưới vợ, sinh con và thiết lập chỗ đứng vững chắc, không thể bị dẫn độ hay trục xuất. Thế nhưng tất cả những điều này đều không qua mắt được các điệp viên Mossad và cộng đồng người Do Thái.

Thực hiện kế hoạch không để cho bất cứ tội phạm chiến tranh vấy máu người Do Thái nào có thể thoát tội, các điệp viên Mossad đã cử một “doanh nhân” tới tiếp cận “đồ tể Riga” nhằm đưa đối tượng ra khỏi Brazil, về Tel Aviv. Mục đích tối cao là đem được kẻ phạm tội về Israel để có thể tuyên án. Phương án khác chỉ được phép dùng tới khi mọi biện pháp đều không đạt được mục đích đề ra.

Năm 1997, Ynetnews, tờ báo lớn nhất của Israel lúc bấy giờ đăng công khai cuộc phỏng vấn với Yitzhak, một mắt xích trong vụ truy lùng Cukurs. Người này cho biết, việc tìm cách đưa Cukurs ra khỏi Brazil là để tránh gây tổn hại cho cộng đồng Do Thái ở nước này và để tránh cho các điệp viên Mossad vướng phải án tử hình theo luật Brazil trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Kế hoạch đã gặp khá nhiều khó khăn và đôi lúc rơi vào tình huống gần như “bất khả thi”.

Tái hiện hình ảnh Đức quốc xã sát hại người Do Thái trong bộ phim "Father Night" của đạo diễn Davis Simanis. Ảnh: Times of Israel

Tái hiện hình ảnh Đức quốc xã sát hại người Do Thái trong bộ phim "Father Night" của đạo diễn Davis Simanis. Ảnh: Times of Israel

Vị doanh nhân bận rộn

Đầu tháng 9-1964, một doanh nhân người Áo chừng 50 tuổi lên chuyến tàu tốc hành rời Paris tới thành phố Rotterdam (Hà Lan). Ông ta đến nhận phòng ở một khách sạn sang trọng không xa nhà ga. Chẳng kịp nghỉ ngơi, vị doanh nhân lập tức đi mở hộp thư, mở tài khoản ngân hàng với số dư khá lớn, làm danh thiếp và tài liệu mang tên Anton Kunzle – Giám đốc một công ty đầu tư có trụ sở ở Hà Lan. Xong những việc ấy, Anton lập tức đi làm thủ tục xin visa du lịch đến Brazil, tiêm vắc-xin để đáp ứng yêu cầu nhập cảnh Brazil trước khi tới một phòng khám thực hiện cuộc kiểm tra sức khỏe.

Tuy nhiên mục đích của cuộc kiểm tra dường như không nhằm đánh giá sức khỏe thực sự. Anton đã cố tình thực hiện một số mánh khóe khiến bác sĩ nhãn khoa kết luận rằng ông ta mắc một số chứng bệnh về mắt và cần phải đeo kính tròng dày. Cặp kính này được vị doanh nhân Áo mang về Paris. Tại đây ông ta đeo cặp kính dày cộp, được một chuyên gia gắn thêm bộ ria mép rậm rạp trước khi chụp ảnh, sau đó mang theo người vài cuốn hộ chiếu mới. Một trong những cuốn hộ chiếu mang diện mạo mới sẽ được trình cho Lãnh sự quán Brazil tại Hà Lan để dán visa đã được đóng dấu. Khi ấy vị doanh nhân này có thừa những thứ cần thiết để chứng minh về nguồn gốc Áo của mình: Tài khoản ở ngân hàng Schweizerische Kreditanstalt (Credit Suisse) tại Zurich, địa chỉ nhà riêng ở thành phố Vienna.

 Điệp viên Mossad trong vai một “doanh nhân” người Áo để tiếp cận Herberts Cukurs. Ảnh: The Times

Điệp viên Mossad trong vai một “doanh nhân” người Áo để tiếp cận Herberts Cukurs. Ảnh: The Times

Khi đã có visa, doanh nhân bận rộn không chỉ đặt vé đến Rio de Janeiro mà còn tới cả Sao Paulo và thành phố Montevideo – thủ đô Uruguay. Danh sách những khách sạn hàng đầu, những nhà hàng sang trọng bậc nhất cùng những khoản bo vô cùng hào phóng đã hoàn toàn thuyết phục những người tiếp xúc rằng Anton là một doanh nhân thành đạt, bận rộn và hào phóng đang sở hữu một doanh nghiệp cực kỳ phát đạt tại Áo.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Vị doanh nhân Áo dành mấy ngày thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng ở Rio, gặp gỡ vài quan chức và doanh nhân hoạt động trong ngành du lịch địa phương. Trong những cuộc gặp ấy, Anton bày tỏ sự quan tâm, muốn tham gia vào lĩnh vực du lịch Brazil. Nhờ đó Anton được biết và nhận được thư giới thiệu về vài nhân vật có tiếng trong ngành du lịch của Sao Paulo.

Tại Sao Paulo, Anton dành 3 ngày tìm hiểu ngành du lịch địa phương. Ông ta đặt bàn tại một nhà hàng nhìn ra bến thuyền Interlagos. Từ bàn ăn cạnh cửa sổ, vị doanh nhân người Áo có thể quan sát kỹ nhiều người làm dịch vụ tại bến thuyền. Hai ngày sau, khi lái xe đến bến thuyền Interlagos tìm hiểu một số dịch vụ, Anton “vô tình” gặp một nhân viên thu ngân nữ người Đức. Khi không thể trả lời hết những câu hỏi của vị doanh nhân Áo, cô gái đề nghị ông ta hỏi trực tiếp viên phi công lái máy bay. Trong chuyến bay ngắm thành phố từ trên cao, vị doanh nhân có cuộc trò chuyện cởi mở, thoải mái với viên phi công đến mức được mời về thuyền của ông ta uống rượu.

Herberts Cukurs khi còn ở Latvia. Ảnh: Times of Israel

Herberts Cukurs khi còn ở Latvia. Ảnh: Times of Israel

Trong lúc đưa đẩy qua ly rượu, Anton cho biết ông ta từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai với cấp bậc trung úy. Còn viên phi công đột nhiên bộc bạch rằng mình bị kẻ khác tố cáo là tội phạm chiến tranh và thực sự phẫn nộ trước những lời tố cáo ấy bởi theo lời viên phi công, trên thực tế ông ta là người hùng vì đã cứu thoát một cô gái Do Thái khỏi bàn tay phát xít.

Sau câu chuyện về quá khứ, cả hai cùng bàn đến chuyện làm ăn. Khi đang ngập ngụa trong muôn vàn khó khăn, Cukurs thực sự quan tâm đến những cơ hội mà vị doanh nhân người Áo vừa mang tới. Cả hai thống nhất sẽ gặp lại nhau để bàn thêm.

Khi trở về khách sạn, “doanh nhân” Anton gửi một bức điện mật về Israel thông báo “cá đã cắn câu”. Trong khi đó, ở một địa điểm khác của Sao Paulo, gã tội phạm chiến tranh đang bị săn lùng lấy ra danh sách những kẻ thù nguy hiểm của mình và bổ sung thêm một cái tên: Anton Kunzle. Đó là kết quả của cuộc chạm mặt đầu tiên giữa hai nhân vật, dường như cả hai đã nhận mặt được kẻ thù.

Thợ săn hay con mồi?

Một tuần sau, Anton Kunzle đến thăm Cukurs tại nhà riêng – một ngôi nhà khiêm nhường nhưng được bảo vệ chẳng kém pháo đài vì có tường bê tông dày rào bằng dây thép gai, cổng sắt lớn và một con chó hung dữ. Song “thứ dữ” là 3 khẩu súng lục ổ quay cỡ lớn cùng một khẩu súng trường bán tự động, tất cả được lau chùi và tra dầu mỡ thường xuyên, đặt trong ngăn kéo mà ông chủ nhà chủ động mở để giới thiệu với vị doanh nhân người Áo. Cùng với đó là hơn chục huy chương các loại mà Cukurs được tặng thưởng với tư cách một phi công, trong đó một số mang những dấu thập ngoặc – biểu tượng của chế độ Đức quốc xã.

 Phụ nữ Do Thái Latvia bị lực lượng theo Đức quốc xã lùa ra một bãi biển gần Liepaja và hành quyết vào ngày 15-12-1941. Ảnh: Times of Israel

Phụ nữ Do Thái Latvia bị lực lượng theo Đức quốc xã lùa ra một bãi biển gần Liepaja và hành quyết vào ngày 15-12-1941. Ảnh: Times of Israel

Khi trò chuyện, Cukurs “đột nhiên” ngỏ lời mời Anton đến thăm trang trại của ông ta ở vùng nông thôn và hai người có thể ngủ lại một đêm ở đó. Nếu muốn đi, vị doanh nhân nên mua ủng để khỏi bị rắn cắn. Một quyết định thực sự khó khăn, nhưng Anton đã chấp nhận, dù không rõ đây là một cái bẫy hay là cách Cukurs thử thách mình. Để đề phòng, không chỉ mua ủng theo lời của Cukurs, Anton còn mua một con dao bấm và mang theo người.

Ngồi bên cạnh Cukurs to lớn, khỏe mạnh và tỉnh táo được trang bị súng lục chẳng phải chuyện thoải mái với Anton. Ông có linh cảm đối thủ đã lật tẩy được vỏ bọc của mình nên sẽ tìm cách đưa ông đến nơi hắn chọn để trừ khử cho gọn gàng. Vì vậy khi cả hai rẽ vào một trang trại bỏ hoang, Anton giật nảy người khi thấy Cukurs lôi ra một khẩu súng trường. Thế là hết, đối thủ mang theo cả súng lục và súng trường!

Nhưng Cukurs chỉ muốn thách Anton thi bắn, để kiểm chứng lời Anton nói rằng ông đã chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng một loạt đạn 10 viên, Cukurs vẽ lên thân cây một hình tròn có đường kính chỉ nửa gang tay. Nhưng vị doanh nhân Áo còn cừ hơn thế, đường tròn mà ông ta vẽ bằng đạn có đường kính chỉ nhỏ bằng khoảng một phần ba. Một chướng ngại quan trọng đã vượt qua!

(còn nữa)

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Guardian, The Jerusalem Post, Times of Israel, Ynetnews)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-diep-vien-mossad-va-hanh-trinh-truy-lung-do-te-riga-phan-2-709799