Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao

Nhờ định hướng đúng và trợ giúp kịp thời của các tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Bắc Giang đã mời gọi nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ cao (CNC) đầu tư, triển khai dự án thành công tại tỉnh. Trong đó có dự án phát triển sản xuất đóng gói chíp bán dẫn dẻo của Công ty TNHH Hana Micron Vina, KCN Vân Trung (gọi tắt là Công ty Hana). Qua đây lan tỏa hình ảnh của Bắc Giang tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút thêm nhiều dự án CNC.

Thu hút dự án CNC

Quan điểm nhất quán của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng các dự án CNC, quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp lớn cho ngân sách, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển KT-XH của tỉnh. Với định hướng này, thời gian qua, Bắc Giang đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư lớn. Trong đó, có dự án “Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina” tại KCN Vân Trung (Việt Yên) của Công ty Hana.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm bán dẫn lưu trữ tại Công ty Hana.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm bán dẫn lưu trữ tại Công ty Hana.

Công ty Hana đến từ Hàn Quốc chuyên sản xuất công đoạn sau của chất bán dẫn, với các sản phẩm bán dẫn đóng gói và kiểm tra, mô đun bộ nhớ, sản phẩm bán dẫn lưu trữ, ứng dụng trong các thiết bị điện thoại di động, máy tính, ổ ghi dữ liệu, máy chủ trung tâm... Năm 2019, Công ty Hana được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp chứng nhận đăng ký đầu tư thực diện dự án “Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina”.

Giai đoạn 1 (2019-2022), DN này xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 3 ha và đi vào hoạt động tháng 11/2020. Năm 2021, Công ty đạt doanh thu hơn 433,1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 41,2 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu đạt hơn 2,37 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 85 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 1,5 nghìn lao động, thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng/người/tháng.

Từ thành công này, tháng 8/2022, Công ty Hana khởi công mở rộng nhà máy (giai đoạn 2, từ năm 2022-2025), trên diện tích hơn 3,5 ha. Tính đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của DN tại Bắc Giang đạt 460 triệu USD, đến năm 2025 sẽ đạt mức 1 tỷ USD.

Ông Chung Won Seok, Giám đốc Công ty cho biết, khi mở rộng nhà máy, Công ty gặp không ít khó khăn liên quan đến một số thủ tục hành chính như: Cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, thủ tục hải quan… Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Tuy nhiên, được Ban Quản lý các KCN tỉnh, nhất là Tổ công tác hướng dẫn, hỗ trợ quá trình triển khai, thực hiện dự án của Công ty TNHH Hana Micron Vina của tỉnh (gọi tắt là Tổ công tác 2733) hỗ trợ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị… nên đến thời điểm này, DN đã hoàn thành phần xây dựng nhà máy mở rộng.

Công ty đã lắp đặt xong 500 trên tổng số 3 nghìn thiết bị sản xuất của dự án mở rộng. “Cuối tháng 8 này các dây chuyền của dự án mở rộng sẽ đi vào sản xuất đại trà. Công ty sẽ tuyển thêm khoảng 2 nghìn lao động. Dự kiến doanh thu 6 tháng cuối năm 2023 đạt 200 triệu USD, tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm và tiếp tục tăng theo hằng năm”, ông Chung Won Seok cho hay.

Kịp thời hỗ trợ các dự án gặp khó khăn

Để giúp Công ty Hana triển khai dự án thành công, tỉnh đã thành lập Tổ công tác 2733, do đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Tháng 1/2022, Tổ công tác 2733 đã ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ dự án đầu tư “Nhà máy sản xuất Hana Micron Vina”.

Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng toàn tỉnh ước đạt hơn 281 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3 % so cùng kỳ; ước đạt 55,4% so với kế hoạch năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN ước đạt 275 nghìn tỷ đồng. Tổng các khoản thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các DN trong KCN hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Tổ công tác phân công thành viên các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực của sở, ngành mình phụ trách, giúp DN thực hiện các thủ tục hành chính, hoàn tất các bước đầu tư.

Ví như, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường; Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đến Bộ Xây dựng; Công an tỉnh chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư lập hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy… Cách làm này giúp Công ty Hana bảo đảm tiến độ xây dựng giai đoạn 2 của dự án và đi vào hoạt động, góp phần lan tỏa hình ảnh của Bắc Giang trong thu hút đầu tư.

Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, với chủ trương hỗ trợ tất cả các dự án khi gặp khó khăn, đặc biệt là các dự án CNC, tỉnh còn thành lập các Tổ xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, kịp thời nắm bắt, hỗ trợ các DN gặp vướng mắc khi triển khai dự án, giúp nhà đầu tư thực hiện dự án thành công tại Bắc Giang. Với định hướng đúng và cách làm trên, Bắc Giang đã thu hút nhiều dự án lớn.

Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, tỉnh thu hút được tổng vốn đầu tư hơn 1,55 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với thu hút đầu tư mở rộng dự án của Công ty Hana, Bắc Giang thu hút nhiều dự án CNC (liên quan đến lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời) của các nhà đầu tư như: Hiuv Applied Material Technology Investment Pte.ltd và Yonz Technology Singapore Pte.Ltd, để thực hiện dự án tại KCN Việt Hàn (Việt Yên) và Yên Lư (Yên Dũng), với tổng vốn đăng ký 132 triệu USD. Đây tiếp tục là tín hiệu tích cực cho phát triển công nghiệp của Bắc Giang.

Bài, ảnh: Đại La

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/410232/ho-tro-doanh-nghiep-san-xuat-san-pham-cong-nghe-cao.html