Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, phải đến ngày 9-2, các chợ đầu mối nông sản của Trung Quốc mới mở cửa.

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán, tại các cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đều trong tình trạng hạn chế giao dịch, chưa kể một số đối tác nước bạn hủy đơn hàng đã dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng trăm xe chở nông sản, chủ yếu là thanh long tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Trong khi đó, dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang bùng phát mạnh mẽ đã khiến người trồng và buôn bán dưa hấu, thanh long và các loại hoa quả khác tiếp tục lo lắng về việc các cửa khẩu kéo dài thời gian hạn chế giao thương hàng hóa.

Hiện, giá thanh long trên thị trường trong nước đã giảm mạnh. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại các tỉnh phía nam như: Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, từ nay đến đầu tháng 3 là thời điểm thu hoạch hàng chục nghìn tấn thanh long, trong khi công suất của hệ thống kho lạnh lưu trữ thanh long rất thấp. Các mặt hàng khác như sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, dưa hấu cũng giảm giá mạnh và tiêu thụ rất chậm do các thương lái còn theo dõi tình hình tiêu thụ tại các chợ đầu mối nông sản bên Trung Quốc.

Trước thực trạng nêu trên, ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gấp rút triển khai nhiều giải pháp cấp bách như chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thống kê lịch thu hoạch và sản lượng từng loại nông sản trên thị trường, tích cực phối hợp các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh chế biến, bảo quản; làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam để phát huy tối đa hệ thống này, đặc biệt tận dụng kho lạnh để “chia sẻ” với người dân và doanh nghiệp, đồng thời cử các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại khu vực Trung Đông, ASEAN để giải tỏa sức ép về thị trường đối với các mặt hàng nông sản vào chính vụ thu hoạch.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, thực tế việc tồn đọng, giảm giá hàng nông sản trước việc hạn chế giao thương qua các cửa khẩu do dịch bệnh gây ra là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tính tới và triển khai các giải pháp lâu dài nhằm phát triển ngành nông sản ổn định và bền vững. Đó là việc tập trung nâng cao năng lực chế biến để hạn chế xuất khẩu thô, tăng cường công suất kho bãi lưu trữ để bình ổn thị trường và nhất là phối hợp giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp và nông dân để tính toán sản lượng cũng như bố trí mùa vụ hợp lý hơn, tránh dồn quá nhiều vào thời điểm sau Tết như việc ùn ứ thanh long hiện nay.

KIM BẢNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/43136702-ho-tro-nong-dan-tieu-thu-nong-san.html