Hóa giải cơn 'khát' nước sạch - Bài cuối: Khó vẫn quyết tâm làm

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Hải Phòng xác định việc cung cấp nước sạch nông thôn là một trong 29 nhiệm vụ lớn, trọng tâm cần thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Lãnh đạo huyện Tiên Lãng kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước Hưng Đạo (xã Khởi Nghĩa) và Nhà máy nước Tân Sơn (xã Bắc Hưng). Ảnh: P.Thanh.

Lãnh đạo huyện Tiên Lãng kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước Hưng Đạo (xã Khởi Nghĩa) và Nhà máy nước Tân Sơn (xã Bắc Hưng). Ảnh: P.Thanh.

Những con số biết “nói”

Với quan điểm đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, Hải Phòng sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng cấp nước không bảo đảm vệ sinh, không để phát sinh điểm nóng, bức xúc về nước sạch. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, 100% số người dân khu vực ngoại thành được cấp nước sạch ổn định, đạt quy chuẩn.

Hiện tại, khu vực nông thôn Hải Phòng đang được cấp nước sạch từ 84 nhà máy nước bao gồm: 10 nhà máy nước đô thị cấp bổ sung cho 50 xã khu vực nông thôn và 74 nhà máy nước nông thôn cấp cho các xã còn lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP Hải Phòng chia 84 nhà máy nước trên thành 3 nhóm trong quá trình giám sát.

Nhóm hoạt động tốt (bền vững) gồm 10 nhà máy nước đô thị và 21 nhà máy nước nông thôn đã nâng cấp quy mô lớn, chất lượng nước duy trì ổn định đạt Quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của người dân.

Nhóm hoạt động trung bình (tương đối bền vững) gồm 25 nhà máy có chất lượng nước đạt quy chuẩn tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, những nhà máy này khó đáp ứng yêu cầu nước sạch gia tăng về lâu dài và không thể đầu tư mở rộng vì không đủ điều kiện nâng cấp theo các tiêu chí quy định của thành phố.

Còn lại, 28 nhà máy có nguy cơ không đảm bảo chất lượng, trong đó có 15 nhà máy nước mini cần thay thế ngay. Một số nhà máy trong nhóm này khai thác nước thô khai thác từ các kênh thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chất lượng không ổn định. Việc cấp nước chưa đạt chuẩn của các nhà máy trên đã khiến những kiến nghị của người dân tại huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão và Kiến Thụy về chất lượng nước ngày một nhiều hơn.

Theo thống kê, nhóm 31 nhà máy nước hoạt động tốt đang cung cấp nước cho 188.200 hộ dùng nước, tương đương với 56,5%. Nhóm 25 nhà máy nước trung bình cấp nước cho 110.000 hộ tương đương với 32,9%. Nhóm 28 nhà máy nước hoạt động kém bền vững cung cấp cho 29.876 hộ tương đương với 8,9%. Vẫn còn trên 5.800 hộ dân thuộc huyện Tiên Lãng sử dụng nước từ các nguồn cấp nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan và bể chứa nước mưa, chiếm tỷ lệ 1,75% số hộ dân khu vực nông thôn.

Nhà máy nước Đông Phương (huyện Kiến Thụy) từng bước cải thiện chất lượng. Ảnh: P.Thanh.

Nhà máy nước Đông Phương (huyện Kiến Thụy) từng bước cải thiện chất lượng. Ảnh: P.Thanh.

Từng bước tháo gỡ vướng mắc

Với hàng nghìn hộ dân chưa sử dụng nước máy, huyện Tiên Lãng là điểm “nóng” nhất về nước sạch nông thôn tại Hải Phòng. Sau khi kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Ban Thường vụ huyện ủy Tiên Lãng chỉ đạo chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng. Ông Tùng yêu cầu huyện Tiên Lãng vận động các nhà máy nước mini không đảm bảo chất lượng sớm đồng thuận việc chuyển nhượng vùng cấp nước cho đơn vị cấp nước có đủ năng lực, chất lượng nước cấp đảm bảo theo quy định cho nguời dân.

Theo ông Phạm Xuân Hòa - Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, chi phí quá lớn của việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng cấp nước ban đầu khiến cho nhà đầu tư mới không “mặn mà” với việc cấp nước sạch. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất để giải quyết bài toán nước sạch tại Tiên Lãng. Không chỉ vậy, thỏa thuận cấp nước giữa người dân và các nhà máy nước mini vốn là thỏa thuận dân sự. Do đó, lãnh đạo huyện và xã còn gặp khó trong việc tiếp cận các chủ nhà máy nước.

Bàn bạc nhiều giải pháp để cung ứng nước sạch cho người dân, địa phương đã từng đề nghị các nhà máy nước yếu kém sẽ chuyển thành đại lý phân phối nước khi Công ty CP cấp nước Hải Phòng để hoàn thành hệ thống đưa nước sạch về huyện.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Tiến - đại diện nhà máy nước Hưng Đạo (huyện Tiên Lãng) cho biết: Sự chênh lệch “không đáng kể” giữa giá nước sạch bán buôn và bán lẻ khiến các nhà máy nước mini “ngại” triển khai đề xuất trên. Chúng tôi mong muốn thành phố hoặc huyện sớm có văn bản hướng dẫn lộ trình cụ thể để đóng cửa nhà máy nước. Khi đó, chúng tôi mới có phương án phù hợp để xử lý khối tài sản đã đầu tư.

Không chỉ huyện Tiên Lãng, để khắc phục những hạn chế về chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ký kết hoặc điều chỉnh các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết liên quan đến hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch nông thôn.

Ngoài việc chấm dứt hoạt động và thay thế các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng, các cơ quan chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Việc tăng tần suất ngoại kiểm chất lượng nước đối với các nhà máy nước nông thôn từ 6 tháng/lần lên 1 tháng/lần đã bước đầu có hiệu quả.

Về lâu dài, các giải pháp bảo vệ nguồn nước phải được triển khai đều đặn, thường xuyên, liên tục. Các địa phương tập trung thực hiện ngay việc thu gom, chuyển hướng tiêu thoát nước thải dân cư, nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không cho xả vào nguồn nước. Các công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung nhân lực khai thác tối đa nguồn nước có chất lượng tốt bổ sung cho nguồn nước ngọt, phát hiện và kiến nghị ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt các vi phạm có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Đến ngày 23/5/2024, Hải Phòng có khoảng trên 6.000 hộ dân nông thôn chưa sử dụng nước từ các nhà máy nước tập trung. Trong đó, huyện Vĩnh Bảo có 55 hộ dân (43 hộ tại xã Trấn Dương và 12 hộ tại xã Vinh Quang); huyện Thủy Nguyên có 142 hộ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ven đồi, ngoài đê nên việc đấu nối đường ống của các nhà máy nước gặp nhiều khó khăn. Còn lại, huyện Tiên Lãng có số lượng nhiều nhất là 5.846 hộ.

Phương Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-giai-con-khat-nuoc-sach-bai-cuoi-kho-van-quyet-tam-lam-10283237.html