Hòa giải, đối thoại thành tại tòa án đạt 56,2% vụ việc

Chiều ngày 30-3, tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đến dự có các đồng chí: Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh; Nguyễn Thanh Khoa - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo TAND các huyện, thị xã, thành phố cùng đội ngũ hòa giải viên hai cấp trên địa bàn tỉnh.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021) đã được TAND tỉnh khẩn trương tổ chức tập huấn và triển khai, quán triệt thực hiện có hiệu quả trong hai cấp. Đồng thời, TAND tỉnh quan tâm lựa chọn hòa giải viên đảm bảo điều kiện đúng quy định và hiện toàn tỉnh đã tuyển chọn, bổ nhiệm được 17 hòa giải viên. Kết quả, hơn 1 năm thực hiện, TAND hai cấp trong tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cụ thể, trong số 6.553 hồ sơ khởi kiện thì có 598 hồ sơ chuyển qua hòa giải, đối thoại và đã hòa giải, đối thoại thành 336 vụ việc (đạt 56,2%). Các đơn vị tòa án có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao là: TAND huyện Cù Lao Dung 21 (đạt tỷ lệ 100%), TAND huyện Long Phú 57 vụ hòa giải thành (đạt tỷ lệ 98,3%), TAND huyện Thạnh Trị 45 vụ hòa giải thành (đạt tỷ lệ 77,6%).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: S.M

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: S.M

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: số vụ việc người khởi kiện đồng ý chuyển qua hòa giải, đối thoại tại tòa án còn thấp; kinh phí còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hòa giải, đối thoại chưa đáp ứng được yêu cầu, thời gian bổ nhiệm hòa giải viên quá ngắn, không phù hợp…

Đồng chí Thái Rết đánh giá cao hiệu quả tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án trong hai cấp, nhất là tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời yêu cầu hòa giải viên tiếp tục phát huy hiệu quả trong hòa giải. Các đơn vị cần quan tâm thực hiện chế độ, điều kiện làm việc cho đội ngũ hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ; quan tâm hướng dẫn người dân lựa chọn hòa giải viên thực hiện hòa giải (trừ trường hợp không cho phép hòa giải) và khen thưởng kịp thời đối với hòa giải viên thực hiện tốt. TAND tỉnh sẽ kiến nghị về trang phục, kinh phí và tập huấn cho lực lượng hòa giải viên.

Chiều cùng ngày, TAND tỉnh Sóc Trăng còn triển khai một số quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.

S.M

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoa-giai-doi-thoai-thanh-tai-toa-an-dat-56-2-vu-viec-56050.html