Hoa hồng và niềm tin

Tháng 11… nhiều năm qua, bao người vô hình chung vẫn luôn nghĩ đến là 'tháng của các nhà giáo, tháng của ngành GD&ĐT'. Cũng vì thế mà các cuộc gặp gỡ bạn bè, tri ân thầy cô, họp lớp, hội khóa… thường diễn ra không chỉ trong ngày 20/11, mà có thể trước đó nhiều ngày. Cả xã hội đều thực sự quan tâm đến các hoạt động liên quan đến thầy cô, trường lớp, học sinh, bạn bè... Truyền thống 'tôn sư trọng đạo', hiếu học được nhân lên, lan tỏa, những kỳ vọng, niềm tin đặt lên đôi vai những người làm công tác giáo dục dường như cũng nhiều hơn, nặng hơn. Niềm tin đó như những đóa hồng tươi dành tặng cho một nghề cao quý mà Bác Hồ đã từng nói...

Trong lòng mỗi người ai chẳng có hình bóng đẹp đẽ, ấn tượng về những người thầy, cô của mình. Có thể chỉ là một thầy giáo già, một cô giáo trường làng thời các thầy cô được trả công bằng thóc, bằng điểm HTX. Có thể là người cô vì học sinh thân yêu, mà lặn lội hàng chục cây số đường rừng phân tích lẽ thiệt hơn, để gia đình ủng hộ việc đến trường của các em. Là những người thầy, người cô miệt mài "cắm bản” ở xóm, bản vùng cao, vùng lòng hồ, đồng hành với các em vì sự nghiệp "cái chữ”. Biết bao tấm gương sáng của các thầy, cô được cả xã hội biết đến, cảm phục, biết ơn.

Ngoài tri thức, các thầy cô còn truyền năng lượng tích cực cho các em về tình cảm, kỹ năng, trách nhiệm, nhân cách, đạo lý làm người. Mỗi lời nói, hành động của thầy, cô đều có tác động đến tâm hồn các em. Xã hội dù đổi thay đến đâu, thời công nghệ số có tác động tới cuộc sống thế nào, cũng không thể làm thay đội ngũ thầy cô đối với sự lớn lên, trưởng thành của các thế hệ học sinh. Còn nhiều lắm những tấm lòng thầy, cô đau đáu vì sự nghiệp "trồng người" nói chung, đối với học sinh nói riêng. Cũng vì thế, chứng kiến các em hồ hởi, tươi vui, ánh mắt lấp lánh cầm những bông hồng đỏ tặng cô mà thấy rằng, chính các em đang làm "người lớn” ấm lòng và niềm tin về các thầy cô vẫn vẹn nguyên… Muôn đời vẫn thế.

Thế nhưng, nhìn lại quãng thời gian qua… vẫn còn có những câu chuyện không vui liên quan đến người làm công tác giáo dục ở tỉnh nhà và nước nhà. Ngày 20/11/2020, các bản tin pháp luật trên nhiều tờ báo danh tiếng đều nhất loạt đưa tin về kết quả xét xử của TAND cấp cao tại Hà Nội, về vụ án gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La. Bản tin đó khiến ai từng quan tâm vụ việc tương tự ở Hà Giang và Hòa Bình khá buồn lòng và suy ngẫm. Đó là một vết đen trong trang sử giáo dục mà hiện tại và hậu thế cần biết để tránh không lặp lại. Nói điều đó không hẳn để khơi lại "vết thương lòng” của toàn xã hội, mà chỉ muốn cảnh tỉnh, muốn cho ai đó trước khi thực hiện một việc tội lỗi nào đó cần dừng lại trước khi quá muộn. Còn nếu cố nhúng chàm, pháp luật sẽ lên tiếng…

Cho nên… ngày 20/11 năm nay, dù có buồn lòng về câu chuyện mới xảy ra không lâu, vẫn thấy ánh lên những niềm vui mới về giáo dục tỉnh nhà. Hãy nhìn vào ánh mắt những thầy cô sống trung thực, hết lòng vì học sinh thân yêu, hãy nhìn vào đôi mắt trong veo của các em học sinh chứa chan sự vô tư cùng những đóa hồng đỏ thắm… để tiếp tục nhân lên niềm tin thật lớn. Niềm tin vào sự nghiệp "trồng người”, niềm tin vào Con Người đang trên hành trình cao quý đó.

Bùi Huy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/147570/hoa-hong-va-niem-tin.htm