Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời
Theo thông tin từ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời tối 17/7 tại nhà riêng ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Ông hưởng thọ 64 tuổi.
Trên trang cá nhân, nhà báo Trần Nhật Minh chia sẻ: "Mới gặp ở buổi ra mắt cuốn sách cuối cùng của anh, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn rành mạch trả lời từng câu hỏi của người tham dự bằng sự sắc sảo vốn có; vẫn cố ngồi ngắm mọi người uống rượu mạnh trong khói cigar cay cay lòng mắt… như để cố nén cơn bạo bệnh và cả những nỗi cô đơn đã từ lâu hành hạ. “Thôi ta còn bạn bè” - câu Trịnh anh hay nhắc để quây tụ người thân trong những ngày nhiều nỗi, chắc chỉ đủ phần nào nguôi ngoai giây lát. Cuộc ra mắt sách và triển lãm mini đó như cuộc chiến cuối cùng gắng gỏi chống bạo bệnh"...
Theo nhà báo Trần Nhật Minh, những ngày gần đây bạn bè nhắn tin hỏi thăm về sức khỏe, diễn tiến bệnh tình của họa sĩ Lê Thiết Cương những mong những tia hy vọng cuối cùng. Nhiều anh em nhắn trực tiếp cho anh thấy câu trả lời cứ ngắn dần, thưa dần, lịm dần… là biết thật khó có phép màu… Nhà báo Trần Nhật Minh cho biết, những năm tháng cuối, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn sáng tạo không ngừng, vẫn làm sự kiện cho mình, cho đồng nghiệp; làm sách, tổ chức trọn vẹn chu đáo tang lễ, 49 ngày cho người anh thân như ruột: Nguyễn Thụy Kha… để rồi, hôm nay anh đi theo các bậc văn nhân mà anh kính trọng và được gần gũi: Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Huy Thiệp, Đào Trọng Khánh…
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, là con trai của nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên (1931–2019) và nhà quay phim Đỗ Phương Thảo. Tốt nghiệp trung học năm 1984, ông theo học Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội từ năm 1985 đến 1990. Tuy là một nghệ sĩ tự học trong lĩnh vực hội họa, nhưng Lê Thiết Cương đã khẳng định được vị trí đặc biệt trong mỹ thuật đương đại Việt Nam với phong cách tối giản đặc trưng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương
Trong suốt hơn 30 năm sáng tác, ông theo đuổi hội họa tối giản, thể nghiệm qua nhiều nhánh rẽ khác nhau như đậm nhạt, hòa sắc, hình và nét. Tranh của ông thường là những hình thể người, đồ vật và phong cảnh đơn giản đến kỳ lạ, được chia thành các mảng màu nguyên, các nét vạch rõ ràng, chi tiết bị lược giản đến tận cùng. Khoảng trống trong tranh trở thành nơi phát triển trí tưởng tượng và cảm xúc cho người xem, hàm chứa những tầng nghĩa sâu sắc phía sau bề mặt giản dị.
“Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ họa… Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi – Lê Thiết Cương”, ông từng bộc bạch.
Bên cạnh hội họa, ông còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế và viết văn. Các triển lãm cá nhân của ông từng được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc... Tác phẩm của ông hiện thuộc bộ sưu tập của nhiều tổ chức lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM), Bảo tàng Royal de Mariemont (Vương quốc Bỉ), Ngân hàng Deutsche AG – Hà Nội, Ngân hàng ABN Amro – Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam...
Với vai trò giám tuyển nghệ thuật, ông từng tổ chức nhiều triển lãm phi lợi nhuận tại các không gian nghệ thuật như Gallery39, Laca Cafe, Hàng Da Gallery, Trung tâm văn hóa Cafe Trung Nguyên, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA và chuỗi nghệ thuật Davines. Ông cũng từng thiết kế sách cho nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Quân, Thiền sư Thích Nhất Hạnh...
Dù thành danh với cây cọ, ông vẫn say mê cầm bút. Ảnh hưởng từ người cha làm thơ, Lê Thiết Cương cũng để lại dấu ấn văn chương bằng nhiều bài viết sắc sảo, mang phong cách tối giản đặc trưng. Sau hai cuốn sách “Thấy” (2017) và “Người và nhà” (2024), đầu tháng 6/2025, ông ra mắt tiếp cuốn “Trò chuyện với hội họa”, ghi lại những suy tư về nghệ thuật suốt hành trình sáng tác.
Giới nghệ thuật từng gọi ông là người sống “một mình một chợ”, bất cần, riêng biệt. Phong cách sống ấy dường như song hành với lựa chọn nghệ thuật, khi ông gắn bó với con đường tối giản – một dòng chảy ít người theo đuổi. Ông từng nói: “Một đời làm nghệ thuật vẽ được mấy bức tranh đẹp… Người ta thường nhầm lẫn, sai lầm, mò mẫm, hoang mang, ảo tưởng là chính.”
Trong hai năm liên tiếp 2003–2004 và 2005–2006, ông được trao giải thưởng Good Design Award (Nhật Bản) – ghi nhận những đóng góp nổi bật trong thiết kế sáng tạo. Ngoài ra, ông còn thường xuyên viết báo, minh họa và cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí như Tuổi Trẻ, Lao Động, Tia Sáng, Nhân Dân...
Với Lê Thiết Cương, hội họa không chỉ là nghề nghiệp mà là “căn cước”. Việc ông ra đi là mất mát lớn với giới nghệ thuật Việt Nam – một người nghệ sĩ độc hành, trung thành tuyệt đối với con đường nghệ thuật của riêng mình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hoa-si-le-thiet-cuong-qua-doi-post1215340.vov