Hóa thân để hiểu con trẻ

Bình đẳng với con trẻ mới kịp thời phát hiện và giúp trẻ giải quyết được những khó khăn con gặp phải trong quá trình trưởng thành.

Lắng nghe con nói

Nhìn thẳng vào con trẻ là nguyên tắc bố mẹ cần phải làm đầu tiên. Bố mẹ muốn con chấp nhận mình thì cần phải tìm đúng vị trí của mình, ngồi xuống lắng nghe con nói, tìm hiểu ý tứ của con và biết được con muốn gì. Có nhiều việc nếu nhìn bằng con mắt của người lớn thì chúng ta sẽ không tài nào hiểu được. Khi ấy đòi hỏi bố mẹ phải biết chuyển đổi vai trò để nhìn nhận vấn đề, hãy bỏ qua những ý nghĩ phiến diện, nhìn thế giới của chúng bằng chính con mắt trẻ con thì mới hiểu được trẻ.

Khi bạn ngồi xuống cùng con trẻ ngắm cảnh thì bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra, trong con mắt của trẻ thế giới có nhiều điều khác nhau lắm. Khi con hãy còn nhỏ thì bạn đừng ngại ngần gì mà không ngồi xuống nói chuyện với con.

Khi ngồi xuống tức là đã cũng có chiều cao cần gần như trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ đối xử bình đẳng với mình. Làm như thế chí ít cũng cho trẻ cảm thấy bố mẹ không ỷ thế làm cha làm mẹ, mà muốn trò chuyện thực sự với mình. Trẻ sẽ vui vẻ mở rộng lòng mình, dốc mọi nỗi niềm nói cho bố mẹ biết. Có chung ngôn ngữ với bố mẹ sẽ là cách tốt nhất để hai trái tim cùng san sẻ với nhau.

Khi ngồi xuống tức là bạn đã điều chỉnh khoảng cách với con trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ tôn trọng và tin tưởng mình. Cũng chính từ điều này trẻ cảm nhận được sự bình đẳng, chúng sẽ thích thú, gần gũi và tin tưởng bố mẹ hơn. Như bố mẹ giáo dục con cái sẽ đạt được hiệu quả bất ngờ.

Biết học theo con

Bố mẹ đừng bao giờ coi thường con trẻ, vì trong xã hội hiện đại, con trẻ tiếp thu được nhiều kiến thức mới hơn bố mẹ thời bé rất nhiều qua những kênh khác nhau. Lúc này bố mẹ cần phải bỏ mác làm cha làm mẹ ra và rồi đặt mình vào vị trí bình đẳng với con trẻ, trò chuyện và trao đổi với chúng như những người bạn thực sự. Về một số mặt nào đó bạn có thể giả vờ học hỏi kiến thức mình không biết từ trẻ, như vậy trẻ sẽ càng tin tưởng bạn hơn.

Khổng Tử có câu: “Một trong ba người đi đường ắt có một người là thầy của ta”. Khi cần hãy coi con là thầy của mình. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy về nhân cách mình được bình đẳng với bố mẹ. Lúc cần thiết bạn có thể khẳng định với mọi người về con là: “Cháu nó làm giỏi hơn chúng tôi nhiều về...”. Như thế bố mẹ đã đem đến cho con sự bình đẳng.

Nhưng bố mẹ cũng cần chú ý, học hỏi con nhưng với điều kiện là phải nhận thức được những ưu thế, sở trường của trẻ cho trẻ được bình đẳng về nhân cách. Không bao giờ chỉ đơn thuần dừng lại ở việc hỏi han: “Con ơi dạy mẹ sử dụng MP3 đi” hoặc là “Con ơi máy vi tính sử dụng thế nào?”.

Biết trưng cầu ý kiến của con

Con cần phải kính trọng bố mẹ và bố mẹ cần phải biết tôn trọng con cái. Làm chuyện gì cũng trưng cầu ý kiến của con chính là cách tôn trọng con tốt nhất. Như vậy trẻ sẽ cảm nhận được cái cảm giác mình đã hòa nhập vào trong cuộc sống gia đình.

Các chuyên gia tâm lý của Mỹ cho biết, khi bài trí các đồ vật trong phòng bạn hỏi ý kiến của trẻ, cho trẻ tham gia vào việc đó thì trẻ sẽ cảm thấy là mình được tôn trọng. Qua đó trẻ thấy rất tự hào, chúng sẽ chủ động đảm nhận công việc vệ sinh, giữ gìn vật dụng... Đó chính là vì trẻ cảm thấy được tôn trọng nên chúng đã vui vẻ giúp đỡ bố mẹ.

Có gia đình có việc gì bố mẹ cũng hỏi ý kiến của con. Mỗi khi yêu cầu con làm gì bà mẹ cũng thân mật nói: “Con ơi, giúp mẹ một lát được không?”, “Con có thể.... không?”. Bà mẹ này chưa bao giờ nặng lời với con một câu, và cũng chưa bao giờ ra lệnh bắt con làm việc. Sau khi trẻ làm xong, bà mẹ cũng tươi cười nói lời cảm ơn. Hai bố con cùng ngồi xem ti vi, bố muốn chuyển kênh khác đều nói với con: “Chúng ta chuyển kênh xem chương trình khác nhé?”. Với những hành động này của bố mẹ thì đương nhiên con cái cũng học được cách tôn trọng bố mẹ và tôn trọng mọi người.

Một nhà giáo nổi tiếng nước Anh đã nói: “Hoang dại sinh ra hoang dại, nhân ái sinh ra nhân ái, đó chính là chân lý. Bạn đối xử trẻ với tấm lòng thiếu sự đồng cảm thì trẻ sẽ trở thành người không biết đồng cảm. Bạn nên đối xử thân thiện với trẻ vì đó là cách tốt nhất để rèn cho trẻ sống thân thiện, hòa đồng”. Chính vì vậy, bố mẹ cần phải đối xử tôn trọng với con thì con mới biết tôn trọng mọi người.

Đừng bao giờ biến con thành “tài sản riêng” của mình

Nhiều ông bố bà mẹ đã coi con mình là món tài sản riêng. Họ thường nói với con mình là: “Mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn thì con phải nghe lời mẹ”. Câu nói này cho biết thông tin: “Con là của mẹ, con phải nghe lời mẹ!”.

Rõ ràng bố mẹ đã coi con cái là món tài sản riêng của mình, chứ không hề coi con là một thực thể riêng của xã hội, không hiểu rằng con mình cũng thuộc về xã hội. Con cái phải có cuộc sống độc lập, chứ không phải là bố mẹ muốn con phải như thế này thì con phải như thế này.

Con trẻ cũng có nhân cách của mình, là con người hoàn toàn độc lập. Bố mẹ cần phải hiểu rõ điều này. Con cái không phải là tài sản riêng của bố mẹ, nhân cách của chúng là một trong những phần cấu tạo nên xã hội, nhân cách của trẻ phải được vun đắp bằng tình yêu thương sâu nặng. Vì vậy bố mẹ cần phải tôn trọng nhân cách của con trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ đã phải giáo dục con trở thành một người độc lập trong xã hội. Đừng bao giờ mắng chửi, trừng phạt, đánh đập con vì sự tôn nghiêm của mình. Đó là cách đối xử thiếu bình đẳng, chỉ khiến cho con trẻ đi mãi vào con đường tuyệt vọng.

Không áp đặt

Hiện giờ rất nhiều trẻ con lên tiếng yêu cầu bố mẹ đừng áp đặt ý chí của mình cho con. Nếu không thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ của con trẻ thì sẽ không hiểu được ý nghĩa của những yêu cầu của con trẻ. Ngày nay bố mẹ trẻ rất thích ôm đồm, làm hết việc của con, làm xong lại còn nói con với giọng ấm ức: “Đấy bố mẹ nghĩ hết cho rồi nhé, cái gì có thể làm được là bố mẹ đã làm cho hết rồi, khó khăn lắm đấy chứ chẳng dễ đâu”.

Nhưng các bậc phụ huynh không biết rằng, chính vì những hành động bố mẹ đã làm thay con trẻ ấy mà con trẻ không buồn hiểu cho, thậm chí chúng còn nẩy sinh tâm lý chống đối. Với những đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, chúng thà giữ lấy ý kiến của mình chứ chẳng muốn bố mẹ thu xếp hết mọi thứ cho mình như vậy. Vì trẻ cảm thấy làm như vậy là bố mẹ không tôn trọng ý kiến của mình.

Thế giới nội tâm của con trẻ vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Bố mẹ cần hiểu con trên lập trường của con trẻ. Bạn phải biết con trẻ là một cá thể độc lập, có tư tưởng của mình. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con trẻ thì còn phải biết quan tâm, hiểu con trẻ, cần phải mầy mò những suy nghĩ của con trẻ. Bạn cần dẫn dắt, gợi mở con để cho trẻ được phát triển lành mạnh.

Duyên Hải

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/hoa-than-de-hieu-con-tre-d124382.html