Hoa xấu hổ

Loài hoa giản dị của đất trời dạy ta biết thế nào là xấu hổ. Phẩm chất đầu tiên làm nên lòng tự trọng. Sao có người lại quên, để rồi nhiều người phải chịu lời đắng cay?

Dọc đường đến trường học miền trung du quê tôi tới mùa hoa trẩu, hoa sở nở mới được ngắm nhìn. Nhưng có loài hoa nở tứ thời, đó là hoa xấu hổ. Ngắm những bông hoa tím phớt, xòe ra như pháo sáng cũng thấy thích, thấy yêu. Tụi con gái còn ngắt hoa cài lên mái tóc. Nhưng bọn con trai chỉ thích cầm lấy cành lá rung lên nhìn cây hoa thẹn thùng rụt đầu, rụt cổ. Rồi chỉ một lát sau cánh lá lại mở ra, chúng tôi lại tiếp tục chọc ghẹo “nàng”.

Tuổi thơ tôi lớn lên được học các bài luân lý nói về đức hạnh, như sự nhường nhịn, khiêm nhường, đoàn kết, chân thật. Không chỉ học ở trường mà ngay trong gia đình cũng được ông bà, cha mẹ nói cho điều hay lẽ phải mỗi khi mình làm việc nào đó không đúng với gia phong: Ví như lãng phí hay ăn cắp vặt, lấy trộm hoa quả nhà người khác, và phải biết ngượng, khi làm điều sai trái. Một loài cây giản dị của đất trời cũng dạy tôi biết thế nào là xấu hổ. Cây xấu hổ như kể lại mối tình đầu ngây thơ, trong sáng nhưng chân thành và đầy nét lãng mạn, mộng mơ bằng hình ảnh khép lá rất đáng yêu. Nhưng đừng đùa một cách mạnh mẽ, thô bạo, dù dịu dàng khép lá lại, xấu hổ vẫn sẵn sàng đâm gai vào tay mình. Nó biết cách làm duyên, nhưng cũng biết cách đề phòng, chống trả nếu ai trắng trợn thô bạo.

Cây xấu hổ theo chúng tôi trên con đường đến lớp một cách gần gũi, thân thương. Lớn lên, trên con đường mưu sinh bất chợt gặp bụi hoa xấu hổ ven đường tôi say sưa ngắm những cánh hoa màu hồng, và văng vẳng câu hát: “Nâng nhẹ một tay, lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say/Ngỡ đôi mi dày, khép đêm trăng đầy, cài then cung ái”, rồi khẽ chạm vào chiếc lá để đánh thức ký ức tuổi thơ và suy ngẫm…

Cái tên cây xấu hổ cũng đã gợi lên những phẩm chất cần có của con người là lòng tự trọng. Người có lòng tự trọng là người biết xấu hổ vì việc làm chưa đúng của mình.

Ngày xưa một ông quan phụ trách một bộ, một tỉnh, một huyện… mà làm điều gì sai trái, phải đi tù, cả họ phải chịu tiếng xấu. Vậy mà giờ đây nhiều người đã “đứt dây thần kinh xấu hổ”, “ăn của dân không thiếu thứ gì”; cả dàn nguyên lãnh đạo một tỉnh phải đứng trước vành móng ngựa vì ăn hối lộ, người nhiều tới ngót 50 tỷ, ít cũng dăm tỷ. Vậy mà đứng trước vành móng ngựa vẫn biện mọi lý do mong được khoan hồng, nhẹ tội.

“Vạn vật hữu linh”, đến cỏ cây cũng biết xấu hổ, sao nhiều người có học hành, địa vị lại không biết những phẩm chất cần có - biết xấu hổ, khởi đầu của lòng tự trọng? Xấu hổ là đặc điểm thuộc bản tính người. Biết xấu hổ để điều chỉnh mình cho tốt hơn trong đời sống.

Mỗi lần nhìn cây xấu hổ tôi thấy như vang lên lời nhắc nhở, đừng làm điều gì đó dẫn tới suy giảm lòng tự trọng và nhớ lời khuyên của một chuyên gia tâm lý: Hãy dành thời gian mỗi ngày để nói hoặc viết ra những lời tích cực, điều đó sẽ giúp ta nhận ra giá trị của mình, của xã hội và nuôi dưỡng lòng tự trọng.

Đăng Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-xau-ho-10311094.html