Hoạch định vai trò phát triển cho từng vùng đô thị TPHCM mở rộng

Trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, việc phân loại đô thị là một công cụ quan trọng để quản lý, định hướng đầu tư và tổ chức hệ thống hành chính. Hệ thống phân loại đô thị của nước ta hiện nay được căn cứ vào 5 nhóm tiêu chí: chức năng và vị trí, quy mô dân số, mật độ dân cư nội thị, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và trình độ phát triển hạ tầng - kiến trúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là với vùng TPHCM mở rộng, bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, những tiêu chí này đang bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Phân vùng chức năng theo chiến lược vùng

Trước hết, các tiêu chí hiện nay chủ yếu mang tính định lượng, dựa vào quy mô dân số, mật độ xây dựng và mức độ hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, những con số này không phản ánh được chất lượng sống thực sự của người dân trong đô thị. Một thành phố có thể có mật độ dân cư cao, hạ tầng dày đặc nhưng lại thiếu công viên, ô nhiễm môi trường, giá nhà ở vượt xa khả năng chi trả của người dân, hoặc thiếu những không gian công cộng cho cộng đồng sinh hoạt và kết nối. Khi đó, việc đạt tiêu chí đô thị loại I hay II không đồng nghĩa với phát triển bền vững. Cách phân loại này dễ tạo ảo tưởng phát triển, nơi mà sự đầy đủ về cơ sở vật chất không đi kèm với sự hài lòng của người dân, sự công bằng xã hội hay tính bền vững sinh thái.

Thứ hai, các tiêu chí phân loại hiện tại mang tính cục bộ, đánh giá từng đô thị như những đơn vị tách biệt, mà chưa tính đến đặc điểm cấu trúc vùng trong thời kỳ phát triển liên kết và hội nhập. Thực tế cho thấy vùng TPHCM mở rộng không còn là một tập hợp các đô thị riêng rẽ, mà là một hệ thống đô thị - công nghiệp - cảng biển liên kết chặt chẽ. TPHCM giữ vai trò trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo và điều phối vùng; Bình Dương là cực phát triển công nghiệp và logistics; Bà Rịa - Vũng Tàu là đầu mối năng lượng, cảng biển và du lịch ven biển. Mỗi đô thị không thể phát triển tách biệt theo một chuẩn phân loại riêng lẻ mà cần xác lập vai trò và chức năng vùng một cách rõ ràng, hài hòa và có chiến lược điều phối chung.

Khu Công nghệ cao TPHCM

Khu Công nghệ cao TPHCM

Trong khi đó, việc xếp hạng đô thị theo tiêu chuẩn cứng đang vô hình trung thúc đẩy các địa phương chạy đua "lên hạng" bằng mọi giá. Không ít nơi tăng dân số cơ học, phát triển phân lô bán nền, hoặc đầu tư hạ tầng hình thức để đủ điều kiện xét loại đô thị cao hơn. Cách làm này dễ dẫn đến tình trạng đô thị "vỏ to - ruột rỗng", nghĩa là tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng thiếu nội lực, thiếu sự đồng bộ giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến khủng hoảng đầu tư công, nợ hạ tầng, áp lực lên ngân sách địa phương, và quan trọng hơn cả là mất niềm tin của người dân vào giá trị thật của phát triển.

Do vậy, trong bối cảnh mới, đặc biệt tại vùng TPHCM mở rộng, nơi mang tính tiên phong của cả nước về phát triển đô thị tích hợp và kinh tế vùng, việc tiếp tục áp dụng hệ thống phân loại đô thị theo hướng cũ là không còn phù hợp. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới, chuyển từ "phân loại đô thị” sang "đánh giá chất lượng phát triển đô thị”. Thay vì chỉ đếm dân số, mật độ hay tỷ lệ bê-tông hóa, cần xây dựng một bộ chỉ số phản ánh chất lượng sống đô thị một cách toàn diện. Những chỉ số này cần đo lường khả năng tiếp cận dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông công cộng; mức độ an cư (giá nhà so với thu nhập); mức độ hài lòng và hạnh phúc của người dân; mức độ bao trùm xã hội; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; chất lượng điều hành chính quyền đô thị; khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị.

Cùng với đó, thay vì dùng "loại đô thị” làm chuẩn đầu tư, cần thiết kế lại hệ thống phân vùng chức năng theo chiến lược vùng: đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, đô thị công nghiệp, đô thị hậu cần, đô thị cảng biển, đô thị du lịch... Mỗi địa phương trong vùng không cần giống nhau, không cần đồng loạt "lên hạng", mà cần xác định vị trí phù hợp trong cấu trúc tổng thể. Khi đó, thành công của một đô thị không nằm ở loại I hay loại II, mà nằm ở việc nó có hoàn thành vai trò vùng, đóng góp bền vững vào hệ sinh thái chung hay không. Cuối cùng, cần đưa tiêu chí năng lực điều hành vào hệ thống đánh giá. Một đô thị đáng sống không chỉ do hạ tầng đẹp, dân cư đông mà còn nhờ đội ngũ điều hành có tầm nhìn, biết lắng nghe dân, biết phối hợp vùng, biết điều tiết thị trường và thích ứng linh hoạt với những biến đổi của thời đại. Năng lực phối hợp vùng, quản lý đầu tư công hiệu quả, minh bạch tài chính, khuyến khích đổi mới xã hội và bảo vệ môi trường phải là những yếu tố cốt lõi để xác định một đô thị phát triển thực chất.

Du khách vui chơi tại bãi biển Vũng Tàu

Du khách vui chơi tại bãi biển Vũng Tàu

Đầu tư hợp lý, thúc đẩy sự hợp tác vùng

Về quan điểm xây dựng, chúng ta không coi đô thị là đơn vị khép kín, mà là phần tử trong mạng lưới vùng động, có vai trò, chức năng riêng trong hệ sinh thái phát triển tổng thể, không đánh giá theo quy mô dân số - mật độ - hạ tầng đơn thuần, mà ưu tiên năng lực thích ứng, chất lượng sống, khả năng kết nối vùng và vai trò phát triển; không chạy theo hình thức phân loại, mà hướng đến điều phối chiến lược - đầu tư - chính sách theo vai trò và đặc tính đô thị. Đồng thời, khẳng định phát triển đô thị là phát triển vì con người, có trọng tâm là sự an cư, sinh kế, văn hóa sống, sức khỏe tinh thần và sự kết nối xã hội.

Bên cạnh đó, tiến tới thực hiện chiến lược gồm 5 nhóm trụ cột, phản ánh 5 giá trị cốt lõi cần hướng đến trong phát triển vùng TPHCM mở rộng. Đánh giá đô thị không phải bằng cấp độ hành chính mà bằng vai trò vùng: Trung tâm điều phối vùng (TPHCM); Trung tâm công nghiệp, logistics (Bình Dương); Trung tâm cảng biển - du lịch - năng lượng (Bà Rịa - Vũng Tàu); Cụm đổi mới sáng tạo - công nghệ cao - nông nghiệp đô thị; Khu vực sinh thái - bảo tồn tài nguyên - không gian điều tiết khí hậu... Khả năng cung ứng hoặc tiếp nhận chức năng bổ trợ vùng. Chỉ số điều phối liên thông chính sách và hạ tầng với các đô thị lân cận.

Tập trung vào nhu cầu sống thực tế, không chỉ tiêu chuẩn vật chất; Tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ công cơ bản (y tế, giáo dục, giao thông công cộng, tiện ích số); Diện tích cây xanh - không gian công cộng đầu người; Tỷ lệ nhà ở xã hội/giá trị bất động sản trung vị; Chỉ số hài lòng người dân ví dụ như Mức độ an toàn môi trường sống (không khí, nước, tiếng ồn, rủi ro thiên tai).

Phản ánh khả năng điều hành có trách nhiệm, minh bạch, đổi mới. Chỉ số đề xuất có thể bao gồm: Khả năng lập kế hoạch đô thị linh hoạt (vùng đệm, phục hồi, thích ứng biến đổi khí hậu). Khả năng phối hợp đa cấp, đa ngành (chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng). Tỷ lệ đầu tư công/hiệu quả chi tiêu. Mức độ ứng dụng công nghệ số vào quản lý: Chỉ số minh bạch, phản hồi ý kiến người dân.

Phát triển đô thị gắn liền với sự ổn định xã hội và nền tảng cộng đồng bền vững. Tỷ lệ người dân tham gia tổ chức cộng đồng - nghề nghiệp - đoàn thể. Mức độ đa dạng văn hóa và chỉ số hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ trẻ em, người già, người yếu thế tiếp cận dịch vụ xã hội. Tình trạng phân tầng xã hội và tách biệt không gian cư trú. Mức độ hoạt động văn hóa, học tập cộng đồng, không gian mở.

Một góc khu công nghiệp VSIP Bình Dương

Một góc khu công nghiệp VSIP Bình Dương

Đô thị cần có khả năng học hỏi, đổi mới và chuyển mình trước những thay đổi lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp sáng tạo - startup trên tổng doanh nghiệp. Tỷ lệ ngân sách dành cho R&D, đào tạo nghề, công nghệ số. Năng lực tự tổ chức kinh tế địa phương (chợ, nghề truyền thống, dịch vụ bản địa). Chỉ số chuyển đổi số trong hành chính và sản xuất. Tính linh hoạt trong thay đổi quy hoạch, nghề nghiệp, mô hình sản xuất.

Trên cơ sở đó, chúng ta không dùng bộ khung để "xếp hạng đô thị”, mà dùng để "hiểu đô thị”, từ đó thiết kế các chính sách phù hợp, đầu tư hợp lý và thúc đẩy sự hợp tác vùng, không áp tiêu chí cứng cho mọi nơi, mà điều chỉnh bộ khung linh hoạt theo vai trò, điều kiện và giai đoạn phát triển của mỗi đô thị. Đồng thời, tích hợp khung này vào hệ thống đánh giá - giám sát - đầu tư công vùng, để tránh đầu tư trùng lặp, cạnh tranh ngược chiều hoặc phát triển không đồng đều. Bên cạnh đó, khuyến khích chính quyền địa phương tự đánh giá, công bố và tranh luận minh bạch về tiến trình phát triển đô thị của mình theo bộ khung này. Chuyển từ tư duy "phân loại theo tiêu chuẩn cứng" sang "điều phối theo vai trò vùng". Chuyển từ "tăng trưởng vật lý” sang "nâng cao chất lượng sống và sức mạnh cộng đồng". Chuyển từ "quản lý theo ngành dọc" sang "điều hành tích hợp theo chức năng". Chuyển từ "tăng cấp hành chính" sang "tăng khả năng phục vụ và thích ứng". Bộ khung tiêu chí này không nhằm thay thế hoàn toàn hệ thống pháp lý hiện hành, mà hướng đến bổ sung một công cụ mềm, giúp các địa phương trong vùng TPHCM mở rộng có thể tự nhận diện rõ vai trò, xác định điểm nghẽn, kiến tạo năng lực phát triển riêng biệt và chung sống hài hòa trong một không gian vùng có tổ chức. Đây là bước đi cần thiết để tạo ra một vùng đô thị - công nghiệp - sinh thái phát triển thực chất, bền vững và gắn bó vì con người.

THUẬN NAM - HÀ CHÂU

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/hoach-dinh-vai-tro-phat-trien-cho-tung-vung-do-thi-tphcm-mo-rong_180649.html