HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia, thời gian qua, Quốc hội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả trong việc giám sát đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật. Để tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm sau khi phát hiện các vấn đề vi phạm sau giám sát.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động nhà nước

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động nhà nước

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước, trong đó có hoạt động giám sát Chính phủ trong thi hành pháp luật.

Giám sát là việc chủ thể theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Khoản 2, Điều 70, Hiến pháp 2013 đã quy định Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”.

Vai trò giám sát của của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, như nghe báo cáo của các cơ quan tại các cuộc họp; thực hiện chất vấn, giải trình; giám sát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; … Hiệu quả hoạt động giám sát này sẽ phụ thuộc vào các phương thức giám sát khác nhau của Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội cũng như đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh

Nhận định về kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động giám sát được tăng cường hơn trước, Quốc hội đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, tiến hành giám sát theo kế hoạch, đúng tiến độ, đảm bảo đem lại hiệu quả tốt nhất. Các đoàn đại biểu Quốc hội đã xây dựng kế hoạch giám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề. Việc phối hợp trong thực hiện hoạt động giám sát đã được nghiêm túc thực hiện, giải quyết những vấn đề mà đoàn giám sát đề cập. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thực tiễn, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự, kỷ cương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật còn tồn tại một số hạn chế sau: Một số quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ nói chung và trong hoạt động thi hành pháp luật nói riêng cũng chưa đầy đủ, chưa phát huy được hết vai trò quyền giám sát tối cao của Quốc hội; Một số nội dung giám sát còn chưa cụ thể, rõ ràng, phạm vi giám sát còn khái quát;…

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia

Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật

Để phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế đến nâng cao vai trò, trách nhiệm cũng như chất lượng đại biểu Quốc hội, từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát nói riêng, góp phần không nhỏ trong mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Cần có những quy định cụ thể về thực hiện giám sát, những nội dung, quy trình, thủ tục giám sát, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện giám sát cũng như các quy định về chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm sau khi thực hiện hoạt động giám sát.

Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật, trong đó cần xác định trách nhiệm tập thể Chính phủ cũng như trách nhiệm mỗi cá nhân về những lĩnh vực quản lý của mình sau khi phát hiện các vấn đề vi phạm sau giám sát. Hoạt động trả lời chất vấn là để làm rõ trách nhiệm cá nhân của các chủ thể có thẩm quyền quản lý trước các vấn đề đặt ra của thực tiễn quản lý ngành, lĩnh vực. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về chất vấn theo hướng, trước hết là xác định phạm vi trách nhiệm của người bị chất vấn; trên cơ sở nội dung chất vấn và phạm vi trách nhiệm người bị chất vấn phải giải trình; nếu người bị chất vấn không trả lời thỏa đáng tại kỳ họp thì sẽ bị quy kết, làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, cần xác định rõ mục đích giám sát của Quốc hội, tập trung giám sát những vấn đề trọng tâm, không dàn trải, hình thức, cần có những biện pháp cụ thể, kịp thời với những vấn đề thực hiện giám sát. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho chương trình giám sát, từ đó tiến hành giám sát theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Hoạt động giám sát cần được quan tâm thường xuyên, hạn chế tối đa sự chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát.

Việc xác định rõ nội dung giám sát rất quan trọng, trong đó cần tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện giám sát, những mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và trong các nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ cũng như các cơ quan thuộc và trực thuộc Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật để kịp thời có biện pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao vai trò của quản lý của Nhà nước.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ thông qua các kỳ họp. Hoạt động giám sát của Quốc hội hiện nay chủ yếu là thông qua các kỳ họp của Quốc hội với thời gian không dài. Vì vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội cần được thực hiện với quỹ thời gian dài hơn. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát của Quốc hội với việc thực thi công vụ của từng thành viên Chính phủ cũng như việc thực thi trách nhiệm của mỗi thành viên Chính phủ với tư cách là “tư lệnh ngành”, tránh đùn đẩy trách nhiệm, thực hiện tốt việc báo cáo tại các kỳ họp. Tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại các hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Cần có những biện pháp cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hay thực hiện chưa triệt để những kiến nghị của Quốc hội đưa ra. Nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Ủy ban trong hoạt động giám sát bằng cách sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, quy định Ủy ban Giám sát có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật, khiển trách đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành yêu cầu của đoàn giám sát.

Tăng cường các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội

Tăng cường các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội

Thứ tư, nâng cao hiệu quả giám sát thông qua các đoàn giám sát của Quốc hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản về lựa chọn chuyên đề giám sát, quy trình, cách thức thực hiện giám sát. Trong việc lựa chọn chuyên đề giám sát cần tăng cường vai trò phối hợp để đối tượng chịu sự giám sát không chồng chéo trong giám sát. Bên cạnh đó phải nắm chắc tình hình của ngành, lĩnh vực, những vấn đề nóng, bức xúc được dư luận và cử tri quan tâm. Đồng thời trong việc thành lập Đoàn giám sát cần quan tâm đến việc lựa chọn thành viên tham gia Đoàn giám sát phải là những người vừa đại diện cho tổ chức, nhưng có chuyên môn sâu, có sự am hiểu và có khả năng nắm bắt được tình hình và nhất là phải có bản lĩnh, có những ý kiến sâu sắc, toàn diện về vấn đề giám sát. Trước khi kết luận về những nội dung cụ thể và bảo đảm các kết luận giám sát sẽ ban hành phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống của nhân dân thì cần lấy ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, các cơ quan liên quan. Kết luận của cuộc giám sát phải đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra, phải làm rõ được vấn đề, những việc làm được, chưa làm được, khó khăn ở đâu, trách nhiệm của ai, nguyên nhân từ cơ chế, chính sách hay là do sự quản lý điều hành, do trách nhiệm của cán bộ...

Thứ năm, để phát huy vai trò giám sát của Quốc hội không thể không đề cập đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ đại biểu Quốc hội. Cần hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu; tăng hợp lý số đại biểu chuyên trách; phát huy tốt hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện tối đa để đại biểu có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quốc hội nói chung và nhiệm vụ giám sát nói riêng. Khi trình độ chuyên môn và hiểu biết pháp luật của đại biểu Quốc hội được nâng cao, vị thế và uy tín của họ của được bảo đảm; tính chuyên nghiệp trong hoạt động cũng được cải thiện. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, các lớp chuyên đề theo kỹ năng để nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của các đại biểu. Có như vậy hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật mới được đảm bảo.

Việc nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội được thể hiện ở việc đại biểu Quốc hội cần nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đại biểu Quốc hội không những chỉ có trình độ, kỹ năng giám sát mà còn phải có quan điểm, bản lĩnh vững vàng, dám nói thẳng, nói thật không nể nang, né tránh trong khi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội phải vì lợi ích của dân, của Nhà nước. Đồng thời, để chủ động và thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, từng đại biểu Quốc hội tự xây dựng chương trình công tác, kế hoạch giám sát hằng năm, bố trí quỹ thời gian hợp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84217