Hoàn thiện thể chế để tận dụng cơ hội từ CPTPP

Sáng 19-2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức chức hội thảo với chủ đề 'Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tiến trình hội nhập kinh tế yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam'. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho biết: Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với nước ta từ ngày 14-1-2019. Hiệp định được kỳ vọng tạo thêm xung lực đổi mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích và tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp trong nước. Vì thế, theo bà Trần Thị Hồng Minh, hội thảo là cơ hội để nhìn nhận về việc chuẩn bị của cộng đồng doanh nghiệp cũng như việc tạo cơ chế chính sách từ phía các cơ quan của Chính phủ cho việc thực hiện Hiệp định CPTPP, để từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách cần thiết.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế. Môi trường kinh doanh đã có những thay đổi tích cực, trong đó vai trò quan trọng khu vực tư nhân được thừa nhận và được coi là xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, khung khổ thể chế và pháp lý của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, so với các nước tham gia vào Hiệp định CPTPP, nước ta vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.

Theo Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Anh Dương cần phải có cải cách thể chế thương mại, thể chế đầu tư, thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, vấn đề về sở hữu trí tuệ; việc phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành, công nghiệp… Cùng với đó là định hướng chung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền tảng kinh tế thị trường nhằm tận dụng được hiệu quả nhất những cơ hội từ Hiệp định CPTPP mang lại.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng một yếu tố rất quan trọng để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp đó là các bộ, ngành phải công khai, minh bạch, nhất là trong các bước trong giải quyết thủ tục hành chính. Nếu thực hiện đầy đủ các cam kết công khai minh bạch chúng ta sẽ có bước tiến đáng kể và sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn vốn.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/hoan-thien-the-che-de-tan-dung-co-hoi-tu-cptpp-610367