Hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo để phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế

Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa XI, diễn ra từ ngày 7 – 9/12/2021 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Tham dự kỳ họp, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã có bài phát biểu quan trọng, mang tính định hướng, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới. Báo Bình Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí đến toàn thể nhân dân tỉnh nhà…

Hoàn thiện thể chế

Thưa chủ tọa kỳ họp,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Chúng ta vừa nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bố Thị Xuân Linh báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chúng ta nhận thấy rằng năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Là một tỉnh đang trên đà phát triển với nhiều thời cơ mới, như khởi công dự án Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến đường ven biển; sự tăng tốc và đóng góp tích cực của ngành công nghiệp năng lượng; sức hấp hẫn đầu tư của tỉnh ta trong giai đoạn mới..., nhưng chúng ta đã bị “kéo lại” bởi đại dịch Covid-19. Điều đó đòi hỏi năm 2022 và các năm tiếp theo, chúng ta phải nỗ lực, chủ động nhiều hơn để phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế, không để bị lỡ nhịp trong quá trình phục hồi chung của cả nước, và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh Bình Thuận trong những điều kiện mới.

Trong bối cảnh đó, với những nội dung đã được HĐND tỉnh thông qua, cho thấy kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, yêu cầu chúng ta phải đánh giá sâu sắc, thẳng thắn, khoa học về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021, những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được áp dụng, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, về kế hoạch phục hồi kinh tế của địa phương; những nội dung, đề án, chính sách UBND tỉnh trình HĐND trong kỳ họp này..., qua đó, có những quyết định phù hợp, đúng, sát với bối cảnh tình hình cụ thể của tỉnh.

Do vậy, tôi mong các vị Đại biểu HĐND tỉnh phát huy trí tuệ, tham gia thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng với trách nhiệm cao nhất. Chúc kỳ họp hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Thưa chủ tọa kỳ họp, thưa các vị đại biểu,

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn cầu, đã bào mòn tiềm lực của các quốc gia, làm cho nguồn lực dành cho sự phát triển kinh tế - xã hội bị suy giảm, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội. Liên Hợp Quốc đánh giá đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi hàng chục năm phát triển của thế giới, khiến hàng chục nước nghèo có nguy cơ vỡ nợ, hơn 250 triệu người mất việc làm; thu nhập toàn cầu giảm 8,7%, tương đương 3.700 tỷ USD và 4,4% GDP toàn cầu. Dự báo tăng trưởng toàn cầu có xu hướng giảm dần, dự kiến 5,6% trong năm 2021; 4,9% năm 2022 bởi sự kéo dài của dịch bệnh. Trong bối cảnh số ca mắc biến thể Delta tiếp tục tăng thì đáng lo ngại hơn khi có nhiều quốc gia ghi nhận ca mắc biến thể mới Omicron. Ngay sau khi được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, tính đến sáng nay đã xuất hiện tại 50 quốc gia. Sự xuất hiện của biến thể Omicron dự báo sẽ gây rất nhiều khó khăn đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 toàn cầu cũng như tác động đến các vấn đề khác của thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều mặt đến kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của nước ta nói chung cũng như của tỉnh Bình Thuận nói riêng. Trong quý 3/2021, GDP của Việt Nam là - 6,17% nên tăng trưởng trong 9 tháng chỉ còn 1,42% và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức từ 2% - 2,5%, không đạt theo kỳ vọng đã điều chỉnh là từ 3% - 3,5%. (trước đây dự kiến là 6 - 6,5%), thấp nhất trong giai đoạn từ Đổi mới đến nay.

Đối với tỉnh ta, đến ngày 7/12, toàn tỉnh ghi nhận hơn 20.000 ca mắc và hơn 150 ca tử vong. Dù có hơn 12.000 người đã được điều trị khỏi và xuất viện nhưng vẫn còn hơn 8.000 người đang điều trị và hiện số ca mắc mới vẫn còn nhiều. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, việc làm của nhân dân, đến thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giảm so với năm 2020. GRDP năm 2021 chỉ tăng 2,77%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua; ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, khó phục hồi trong ngắn hạn; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có thời điểm ngưng trệ; thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ nông, thủy sản khó khăn; người sản xuất đang chịu thiệt hại “kép” khi chi phí đầu vào tăng, giá cả đầu ra thấp; giải quyết việc làm không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2020; hoạt động giáo dục bị gián đoạn…

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những điểm sáng, đó là: 12/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Ngành công nghiệp - xây dựng vẫn giữ được phát triển với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,6%, 11/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng so với năm 2020, các công trình, dự án điện được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Môi trường đầu tư tỉnh nhà tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đăng ký đầu tư tăng 24% với các dự án quy mô đầu tư lớn hơn; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,6%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; xuất khẩu tăng 23,2%. Thu ngân sách nhà nước vượt 35,4% so dự toán năm. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện tốt...

Chúng ta có thể có những kết quả tốt hơn nữa nếu khắc phục những hạn chế có nguyên nhân xuất phát từ chủ quan, từ yếu tố con người, như vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; triển khai, thực hiện các dự án đầu tư; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hiện nay, sự phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân chưa tốt, còn chậm, thậm chí còn đùn đẩy cho nhau. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự “vì nhân dân mà phục vụ”, với nhiều biểu hiện: Gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; né tránh việc khó; không chịu nghiên cứu chủ trương, chính sách, quy định pháp luật dẫn đến giải quyết thủ tục, hồ sơ không đúng hoặc chậm trễ, kéo dài. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vì thế mà chậm được triển khai thực hiện, làm cản trở sự phát triển chung của tỉnh.

Thưa HĐND tỉnh,

UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ, giải phát triển triển kinh tế, xã hội năm 2022. Tôi đề nghị các vị Đại biểu HĐND nghiên cứu để tham gia ý kiến. Tôi xin nêu một số vấn đề có tính khái quát sau:

Quốc hội và Chính phủ đã xác định năm 2022 và các năm tiếp theo là: Lấy hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn làm nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế. Soi rọi vào tình hình thực tế của tỉnh Bình Thuận chúng ta thấy rằng đây đồng thời cũng là những nhiệm vụ mà tỉnh ta cần tập trung thực hiện để không lỡ nhịp phục hồi, phát triển kinh tế của cả nước, trong đó:

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện thể chế gắn với cải cách hành chính, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, quyết tâm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công, Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Nhiều năm qua, chỉ có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của chúng ta ở mức trung bình, lúc tăng lúc giảm, chưa ổn định; các chỉ số còn lại đều ở mức thấp, trong nhóm thứ hạng thấp nhất cả nước. Những hạn chế trên có thể khắc phục sớm hơn nếu mỗi cán bộ, công chức nỗ lực thêm, cần cù thêm, chịu khó thêm, vì dân thêm. Nhưng chúng ta chưa làm được. Đề nghị UBND các cấp, các sở, ban, ngành cần đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với từng cơ quan, từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc cải thiện các chỉ số trên, sẵn sàng thay thế cán bộ không làm tốt chức trách, nhiệm vụ, có các hành vi tiêu cực… Đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật, Nghị quyết HĐND của các sở, ngành, địa phương; tăng cường chất vấn gắn liền trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp về vấn đề nổi lên trong đời sống, kinh tế - xã hội, được nhân dân và cử tri quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước và giải tỏa những xúc hiện nay như: công tác quản lý đất đất đai, tài nguyên khoáng sản, giải ngân đầu tư công, việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện các thủ tục hành chính, thực thi công vụ của cán bộ, công chức... Từ đó, có phản ánh, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Thứ hai, từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 02 chương trình hành động, 03 Nghị quyết chuyên đề: (i) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; (ii) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (iii) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025. Sắp tới, sẽ tiếp tục ban hành 02 nghị quyết chuyên đề: (i) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; (ii) về phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số. Những nghị quyết này không chỉ kế thừa mà còn phát triển sâu sắc hơn các nghị quyết ở giai đoạn trước, với nhiều tiếp cận mới; trong đó, chú trọng đến đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả từng ngành, lĩnh vực, từng chủ trương, chính sách. Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần được ưu tiên và xem đây là khâu đột phá, tạo bước nhảy vọt xa hơn, cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân để không bị chậm chân, bị tụt lại, về đích sau… Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế. Quá trình đó, cần có những giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách, nguồn lực, con người… Đề nghị HĐND ủng hộ và phát huy vai trò trong quyết định việc ban hành cơ chế, chính sách, ngân sách, nguồn lực cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết trên và các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện thể chế địa phương phù hợp và thống nhất với Hiến pháp và Pháp luật.

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch, đầu tư công là một trong những giải pháp tác động vào “cung” để kích thích tổng cầu, tạo động lực thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. Chính phủ đang trình Quốc hội tiếp tục mở rộng các gói đầu tư công, trong đó có 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Với phương châm lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư, các dự án đầu tư công trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng luôn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi một địa phương, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện nay, Bình Thuận đang có nhiều dự án đầu tư công về hạ tầng trên địa bàn, như đường bộ cao tốc, sân bay Phan Thiết, và những dự án rất quan trọng khác do chúng ta làm chủ đầu tư như đường 719B, 719, Hàm Kiệm - Tiến Thành, Hòn Lan - Tân Hải, hồ Ka Pét, đường liên huyện dọc theo các tuyến kênh, các công trình đường giao thông ở các địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua. Trên địa bàn Phan Thiết, sắp tới có một số dự án đang thực hiện các thủ tục để trình HĐND tỉnh thông qua như: Dự án kè bờ sông Cà Ty, chung cư Cà Ty, dự án Khu dân cư Nam Lê Duẩn… Tổng vốn đầu tư công trong năm 2022 là 2.961 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 20.769 tỷ đồng, tổng số dự án là 662 dự án trong năm 2022 và sẽ chuyển tiếp sang giai đoạn sau. Việc triển khai, thi công, giải ngân các dự án đúng tiến độ sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tạo động lực và sức lan tỏa, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tôi đề nghị trong thảo luận, chất vấn tại kỳ họp này cũng như trong chương trình làm việc năm 2022, các vị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm nhiều hơn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh và tăng cường giám sát quá trình thực hiện.

Thứ tư, hiện nay, tỉnh ta đang xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là dịp để chúng ta định hình lại không gian phát triển, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện, bối cảnh với tầm nhìn phát triển mới. Chúng ta cần phải có những đột phá để phát triển các trụ cột kinh tế, là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế và nhân tố con người. Đồng thời, thúc đẩy liên kết để mở rộng không gian phát triển. Với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các vùng, địa phương trong tỉnh và giao thông đối ngoại, chúng ta sẽ có cơ hội để phát huy và khai thác hiệu quả liên kết vùng giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với khu vực nam Tây nguyên…

Nội dung Quy hoạch sẽ được trình HĐND tỉnh cho ý kiến trong các kỳ họp năm 2022. Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh ngay từ bây giờ, trong quá trình tiếp xúc cử tri, thực hiện hoạt động giám sát, cần chủ động nghiên cứu thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cử tri, để tham gia góp ý, xây dựng Quy hoạch đảm bảo các yêu cầu đề ra.

Thứ năm, tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ, toàn diện những kiến nghị của cử tri tỉnh nhà. Đây là nguyện vọng và đề xuất chính đáng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Đề nghị HĐND, UBND các cấp, các ngành nghiên cứu có giải pháp giải quyết phù hợp với phương châm cầu thị tiếp thu; việc gì phù hợp, chính đáng thì giải quyết nhanh nhất, tốt nhất có thể; nói/hứa đi liền với tổ chức thực hiện; không để chậm trễ, kéo dài. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong giải quyết các nguyện vọng chính đáng, nhu cầu bức xúc của nhân dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức hết sức, hết lòng vì công việc, để làm tròn bổn phận của người cán bộ công chức vì nhân dân mà phục vụ, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và cho nhân dân.

Thưa HĐND tỉnh và các vị đại biểu! HĐND tỉnh khóa XI kể từ khi được phê chuẩn tại kỳ họp thứ I đến nay chỉ mới 5 tháng, trong đó có gần 50% là các đại biểu mới tham gia lần đầu; 5 tháng qua cũng là 5 tháng tình hình dịch bệnh căng thẳng, song HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều hoạt động và đã nỗ lực vượt qua khó khăn và thách thức, đã tổ chức 3 kỳ họp thường lệ và 2 kỳ họp chuyên đề, thông qua 67 nghị quyết (không kể các nghị quyết về công tác cán bộ). Đây là cố gắng rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, của từng vị đại biểu HĐND tỉnh trước nhân dân và cử tri tỉnh nhà.

Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh trong quá trình tham dự kỳ họp này cần quan tâm thêm một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong quá trình xem xét, thảo luận các vấn đề quan trọng mà UBND tỉnh trình tại kỳ họp này, bảo đảm từng nội dung được thảo luận và thông qua đều xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với xu hướng và đòi hỏi hiện tại đó là khẩn trương phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Hai là, tích cực tham gia việc thảo luận và chất vấn tại kỳ họp này trên tinh thần xây dựng, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, mấu chốt, những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân tỉnh nhà phản ánh, những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của HĐND tỉnh trong năm qua. Từ đó, góp phần làm rõ hơn tình hình và nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp để UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn trong năm 2022.

Ba là, sau kỳ họp có biện pháp phù hợp để tăng cường công tác giám sát tổ chức thực hiện, công tác tiếp xúc cử tri, lắng nghe đầy đủ các kiến nghị cử tri. Tôi tin rằng, hiện nay cử tri tỉnh nhà có nhiều kiến nghị, nhiều điều cần gửi gắm. Đồng thời, đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh cũng quan tâm thực hiện lời hứa của mình đối với cử tri khi ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Nếu chúng ta không lắng nghe đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của cử tri, nếu chúng ta không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ lời hứa của mình đối với cử tri thì chúng ta chưa hoàn thành chức trách của Đại biểu đối với cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Kính thưa các vị đại biểu!

Cử tri và nhân dân tỉnh nhà đang theo dõi và hướng về kỳ họp HĐND tỉnh phiên cuối năm 2021 với niềm tin và kỳ vọng rằng kỳ họp sẽ đưa những quyết sách quan trọng và đúng đắn, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân, hướng đến mục tiêu thúc đẩy Bình Thuận phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chúc các đồng chí đại biểu khách quý, các vị đại biểu HĐND tỉnh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc kỳ họp thành công. Xin trân trọng cảm ơn!

(Tít bài do tòa soạn đặt)

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/hoan-thien-the-che-doi-moi-sang-tao-de-phuc-hoi-va-co-cau-lai-nen-kinh-te-143895.html