Hoàn thiện thể chế, pháp luật có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh
Ngày 27-7, tại Đồng Nai, Đảng ủy Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức Hội thảo Trao đổi, lấy ý kiến đối với kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.

Các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: Trần Danh
Các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Tư pháp; đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau và An Giang.

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Danh
Công tác xây dựng pháp luật còn có những khó khăn, bất cập
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hệ thống pháp luật nước ta từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản bao quát đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trần Danh
Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn có những hạn chế bất cập, như: một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý; chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư...
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, hội thảo cũng nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến trao đổi, đề xuất tại hội thảo, các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện kết quả cho ý kiến đối với kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình; chủ động thực hiện việc xử lý hoặc tham mưu xử lý kịp thời theo quy định, nhất là đối với các quy định cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Trần Danh
Báo cáo tại hội thảo, đại diện Bộ Tư Pháp cho biết, đến nay, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã nhận được thông tin, báo cáo rà soát của 25/25 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 34/34 địa phương và 23 doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở nghiên cứu. Các báo cáo đã trình bày khái quát về kết quả rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trên các lĩnh vực.
Đảng ủy Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật; trình xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ, xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định việc hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực và nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện việc rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật; thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật tại phiên họp thứ nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2025 là 10% và trong những năm tiếp theo. Do đó, tỉnh mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật, UBND tỉnh xác định, sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về hoàn thiện thể chế và pháp luật cùng các văn bản của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh về công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
UBND tỉnh cũng xác định nhiệm vụ rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, trọng tâm là tập trung rà soát các khó khăn, vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật theo các tiêu chí mà Đảng ủy Bộ Tư pháp đã chỉ đạo để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đối với khó khăn, vướng mắc liên quan đến các chương trình, dự án như: dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát; chủ động làm việc, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, cấp có thẩm quyền để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Phải tập trung rà soát, lựa chọn vấn đề ưu tiên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới tư duy về việc ban hành pháp luật. Chỉ với nội dung này sẽ làm thay đổi được nhiều vấn đề liên quan khác. Ngoài ra, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, đưa xuống cho chính quyền địa phương giải quyết nhiều vấn đề. Trong bối cảnh thực tiễn như vậy, phải lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để kịp thời giải quyết những vấn đề còn vướng mắc do quy định pháp luật.
Đối với những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp phản ảnh, kiến nghị thì các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm trả lời, tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, tại hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi rất tâm huyết, trí tuệ của đại diện các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp, tập trung vào việc xác định, nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật hiện hành và đưa ra các giải pháp, kiến nghị, hướng xử lý.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo của Đảng ủy Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện kết quả cho ý kiến và sử dụng kết quả rà soát là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, khẩn trương đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.