Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước

Ngày 30-12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố khóa 14, theo dõi, chỉ đạo Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh. Ðồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Ngày 30-12, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố khóa 14, theo dõi, chỉ đạo Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh. Ðồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi và thông qua các tờ trình: Dự thảo Báo cáo tổng kết về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021; Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra Thành ủy khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025; tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong năm 2020, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận đạt được những kết quả tích cực với quyết tâm chính trị cao, thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Ðại hội đại biểu đảng bộ thành phố lần thứ 11...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hai bản quy hoạch: quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó chú ý một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, gắn với lãnh đạo thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư"; triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đồng thời tập trung công tác chỉ đạo, quyết tâm cao phòng, chống dịch Covid-19 không để lây lan… Ðồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HÐND thành phố khóa 10; đại biểu HÐND huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026; khẩn trương lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16-11-2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải kiên trì thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng Ðảng, chú trọng xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Ngày 30-12, tại TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tới dự có Phó Chủ tịch nước ÐẶNG THỊ NGỌC THỊNH. Cùng dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, từ một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đến nay, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh là nơi đào tạo nguồn nhân lực đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học uy tín, đạt chất lượng cao trong lĩnh vực y tế và hướng đến đạt trình độ quốc tế. Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; trao Huân chương Lao động hạng ba tặng Thầy thuốc Ưu tú Chu Tấn Sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) đã có thành tích xuất sắc trong việc sử dụng hệ thống Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam và châu Á tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen tặng Ðoàn Thanh niên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh trao cờ thi đua, bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia. Phó Thủ tướng VŨ ÐỨC ÐAM dự hội nghị.

Ðến nay, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực và thu được những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số: Tất cả thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, toàn bộ văn bản tại Bộ Y tế được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số; từ tháng 11-2020, Bộ Y tế triển khai Cổng công khai y tế. Ứng dụng tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19… góp phần chống dịch Covid-19 thành công. Sau 45 ngày triển khai, đã kết nối 1.000 điểm khám, chữa bệnh từ xa và hiện số cơ sở tuyến dưới tham gia đã đạt 1.500 cơ sở. Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập gần 98 triệu hồ sơ sức khỏe với 42 chuyên khoa điều trị ngoại trú...

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế, ngành thông tin và truyền thông và những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số của ngành y tế. Ðồng chí lưu ý, ngành y tế, cần xác định công nghệ thông tin là công cụ không thể thiếu và hữu hiệu trong công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh. Muốn thực hiện tốt chuyển đổi số ngành y tế, ngoài việc xác định mục tiêu, hướng đi còn phải hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách tài chính; coi thiết bị công nghệ thông tin như là trang thiết bị y tế…

Dịp này, Bộ Y tế chính thức khai trương Nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân, Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Mạng kết nối y tế Việt Nam. Nền tảng Hồ sơ sức khỏe cá nhân được xây dựng với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân trên một nền tảng, chăm sóc sức khỏe người dân trọn đời. Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 sẽ tạo ra thay đổi toàn diện cho khoảng 11 nghìn trạm y tế trên khắp cả nước được áp dụng trên toàn quốc từ tháng 1- 2021. Mạng kết nối y tế Việt Nam là mạng xã hội đầu tiên và dành riêng cho ngành y tế để tăng cường kết nối, chia sẻ, hỗ trợ hoạt động đào tạo chuyên môn của hơn 500 nghìn cán bộ y tế trên toàn quốc.

Ngày 30-12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ TRỊNH ÐÌNH DŨNG dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ các năm tiếp theo ngành tài nguyên và môi trường (TN và MT) do Bộ TN và MT tổ chức.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ TN và MT và toàn ngành đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua. Phó Thủ tướng đề nghị năm 2021, Bộ TN và MT cần tập trung tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH T.Ư khóa XI, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung ban hành Nghị quyết mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị; xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Tập trung triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch TN và MT vùng bờ, quy hoạch bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực sông…

Ðối với lĩnh vực môi trường, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN và MT tổ chức đánh giá, lượng hóa được các chi phí phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội; phải xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư. Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm soát các nguồn thải lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Bộ TN và MT cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình, giải pháp tổng thể để phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cho khu vực Tây Bắc, khu vực duyên hải và Tây Nguyên, của các vùng chịu rủi ro thiên tai. Ðồng thời, thực hiện vai trò điều phối trong triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dịp này, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Bộ TN và MT vì đã có thành tích trong công tác năm 2019. Bộ TN và MT trao Cờ thi đua tặng 20 đơn vị trực thuộc Bộ và Sở TN và MT các tỉnh, thành phố.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-lanh-dao-ang-nha-nuoc-630132/