Hoạt động giết mổ động vật: Ít cơ sở đạt chuẩn, vì sao ?

Kiểm soát giết mổ động vật góp phần quan trọng trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), môi trường và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tại Bắc Giang, mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm song còn không ít khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ

Là một trong số ít cơ sở giết mổ tại Bắc Giang được cấp giấy chứng nhận đủ điều vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh ở thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát và bể xử lý chất thải.

 Cán bộ thú y kiểm soát giết mổ động vật trước khi xuất bán sản phẩm ra ngoại tỉnh tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh.

Cán bộ thú y kiểm soát giết mổ động vật trước khi xuất bán sản phẩm ra ngoại tỉnh tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh.

Tại đây, các công đoạn được thực hiện theo quy trình bảo đảm ATTP từ khâu giết mổ đến đóng gói đều trong phòng lạnh và được hút chân không, dán màng bảo vệ rồi chuyển lên xe lạnh giao cho khách hàng. Các sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó thịt lợn đạt 3 sao; giò, chả, xúc xích đạt 4 sao. Đối với thịt lợn tươi sống, khi bán ra ngoại tỉnh được cấp chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan quản lý về thú y.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX cho biết: "Trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ từ 20 - 30 con lợn. HTX đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ nên sản phẩm tiêu thụ khá thuận lợi”.

Toàn tỉnh hiện có 1.317 điểm giết mổ (980 cơ sở giết mổ lợn, 302 cơ sở giết mổ gia cầm, 35 cơ sở giết mổ trâu, bò). Mặc dù số lượng điểm giết mổ động vật nhiều song không có cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn mà đa số là nhỏ lẻ, thủ công và tự phát.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.317 điểm giết mổ (980 cơ sở giết mổ lợn, 302 cơ sở giết mổ gia cầm, 35 cơ sở giết mổ trâu, bò). Mặc dù số lượng nhiều song không có cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn mà đa số là nhỏ lẻ, thủ công và tự phát.

Toàn tỉnh mới có 30 cơ sở giết mổ được kiểm tra, thẩm định, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, 4 cơ sở đủ điều kiện ATTP. Điều này đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng trong công tác kiểm soát vệ sinh ATTP, ngăn ngừa dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, việc giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm thịt động vật diễn ra khá phổ biến song chưa bảo đảm các yêu cầu. Đơn cử tại khu vực đường Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) có điểm giết mổ gia cầm hoạt động khá sôi động. Mỗi hộ làm dịch vụ tại đây có một nồi nước nóng dùng để nhúng chung hàng chục, thậm chí cả trăm con gia cầm. Các chậu làm lông cáu bẩn, dưới nền là nước bẩn và chất thải bốc mùi hôi hám. Hầu hết vật dụng không được khử trùng trước và sau giết mổ, không có sổ ghi chép nguồn gốc và số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ; nước thải xả trực tiếp ra môi trường...

 Điểm giết mổ gia cầm trên đường Châu Xuyên chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Điểm giết mổ gia cầm trên đường Châu Xuyên chưa bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Dù không bảo đảm các yêu cầu theo quy định nhưng do nhiều người vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, cộng thêm thiếu các cơ sở giết mổ tập trung đạt yêu cầu nên các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại từ nhiều năm nay. Các chủ cơ sở này không muốn tốn kém chi phí cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thu hút đầu tư xây dựng cơ sở quy mô lớn

Theo cơ quan chức năng, các địa điểm giết mổ tự phát thường không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh rất lớn. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các lực lượng kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP, vệ sinh thú y, qua đó phát hiện, xử lý 37 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Trang thiết bị, dụng cụ trong quá trình giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận vệ sinh thú y; vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch; mua bán sản phẩm động vật mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, động vật chết… Trong đó, đáng chú ý là vào tháng 3, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý một cơ sở tại Việt Yên giết mổ hơn 1 tấn lợn đã chết định mang đi tiêu thụ tại tỉnh khác.

Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, sáng sớm, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát đối với các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát. Các cơ sở này không có địa điểm cố định mà rải rác ở hầu hết các khu dân cư... Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến phần lớn sản phẩm động vật lưu thông, tiêu dùng nội tỉnh chưa được kiểm tra về tồn dư kháng sinh, kim loại nặng, độc tố nấm mốc, chất kích thích sinh trưởng và các vi sinh vật gây hại.

Ngoài ra, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa cơ quan thú y với một số địa phương chưa tốt, đặc biệt là chưa xử lý triệt để cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không có giấy phép.

Thời gian tới, để khắc phục những bất cấp, hạn chế, đồng thời nâng cao hơn nữa hoạt động kiểm soát giết mổ động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ quy định về giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật; nâng cao nhận thức, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, ưu tiên quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn. Có lộ trình đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP vào các cơ sở giết mổ tập trung.

Ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Các địa phương quan tâm hơn tới công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường tại những chợ truyền thống.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414977/hoat-dong-giet-mo-dong-vat-it-co-so-dat-chuan-vi-sao-.html