Hoạt động vận tải khách: Nỗ lực vượt khó, chủ động phòng chống dịch COVID-19

Nhân viên nhà xe và hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại Bến xe Nam Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Sau một thời gian hoạt động trở lại bình thường, vận tải hành khách lại phải tiếp tục ứng phó với những khó khăn mới do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động, các đơn vị tiếp tục siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch, ngăn chặn việc lây lan trong cộng đồng.

Từ ngày 29/7, các tuyến xe khách Phú Yên - Đà Nẵng và ngược lại đã tạm dừng hoạt động do TP Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tạm dừng nhiều tuyến vận tải hành khách

Để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, Sở GT-VT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, nhà ga, cảng hàng không nhắc nhở, vận động hành khách thực hiện nghiêm việc kê khai y tế. Khi có trường hợp bất thường, phải báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, tránh dịch bệnh lây lan.

Theo Sở GT-VT, vài tháng trước, vận tải khách dần dần được nới lỏng và đã hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, lượng hành khách đi lại vẫn khá thưa thớt.

Hiện, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước khiến hoạt động vận tải khách càng thêm khó. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định phải xuất bến với xe chỉ có vài khách vẫn phải chấp nhận bù lỗ, duy trì chạy để giữ khách. Ngoài áp lực về trả nợ vay ngân hàng, các doanh nghiệp còn phải lo các khoản phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng… dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Các đơn vị không chỉ thiệt hại nặng nề về doanh thu mà còn phải thêm gánh nặng đảm bảo đời sống của người lao động.

Theo Công ty TNHH Vận tải và Thương mại An Thiên Phúc, mỗi ngày, đơn vị xuất bến 5 xe trên tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh. Có thời điểm, lượng hành khách trên xe chỉ có 10 người. Tuy hệ số ghế trên các xe thấp nhưng đơn vị vẫn duy trì các chuyến xe để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Trước diễn biến bất thường của dịch COVID-19, đặc biệt là trên địa bàn TP Đà Nẵng, đơn vị đã phải tạm dừng hoạt động tuyến xe khách Phú Yên - Đà Nẵng để đảm bảo an toàn.

Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GT-VT, do ảnh hưởng dịch COVID-19 đang bùng phát tại Đà Nẵng, đơn vị đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Phú Yên - Đà Nẵng và ngược lại (gồm Công ty TNHH Vận tải thương mại An Thiên Phúc và Công ty TNHH Vận tải Hồng Sơn) tạm dừng hoạt động trong thời gian địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp vận tải khách có xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi không thực hiện hợp đồng vận tải đi Đà Nẵng vào thời gian này.

Để ứng phó với dịch bệnh, ngành Đường sắt cũng đã tạm dừng các đôi tàu SE27, 28 chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, SE11/SE12 chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn; tạm ngừng chạy tàu SQN2 Sài Gòn đi Quy Nhơn từ ngày 2/8; tạm ngừng chạy tàu SQN1 Quy Nhơn đi Sài Gòn từ ngày 3/8. Hành khách có vé đi các đôi tàu này sẽ được trả vé không thu phí hoặc đổi sang đi các đôi tàu khác. Các đôi tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc - Nam chỉ dừng lại Đà Nẵng để thực hiện các hoạt động kỹ thuật, không tiến hành đón khách xuất phát từ Đà Nẵng.

Kiên quyết phòng chống dịch bệnh

Tại Bến xe Nam Tuy Hòa, theo ông Hoàng Phó Lãnh, Giám đốc bến xe, các phương án phòng chống dịch COVID-19 tại bến được thực hiện nghiêm túc. Các chuyến xe hoạt động phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trên các phương tiện vận chuyển khách bằng xe buýt, taxi…, các đơn vị vận tải cũng tự ý thức, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.

Theo Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt và Dịch vụ tổng hợp Tuy Hòa, để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như tránh lây lan dịch bệnh, tất cả hành khách đi lại đều phải kê khai y tế. Ngành Đường sắt cũng bố trí nhân viên để sẵn sàng hỗ trợ hành khách trong việc kê khai. Để nâng cao ý thức bảo vệ bản thân của hành khách trước dịch bệnh, trên các tàu thường xuyên phát thanh biện pháp phòng chống dịch. Nhiệt độ trên tàu luôn được duy trì ở mức 260C, nhằm hạn chế thấp nhất virus có thể phát tán. Ở các nhà ga cũng như trên tàu luôn bố trí các phòng riêng để trong trường hợp hành khách có những biểu hiện ho, sốt thì sẽ có khu vực cách ly, đảm bảo an toàn cho các hành khách khác.

Tại Cảng Hàng không Tuy Hòa, công tác phòng chống dịch bệnh cũng đang được triển khai quyết liệt. Ông Phạm Ngọc Kình, Giám đốc Cảng Hàng không Tuy Hòa, cho biết: Ngoài việc triển khai giám sát y tế đối với hành khách, đơn vị còn thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại cảng, tạo tâm lý yên tâm cho nhân viên và hành khách. Đơn vị sẽ phối hợp với ngành Y tế phun hóa chất khử trùng toàn bộ nhà ga, khu văn phòng, khu làm việc để diệt virus gây bệnh. Cảng Hàng không Tuy Hòa đã xây dựng phương án phối hợp với các đơn vị trong công tác phòng chống dịch bệnh. Các bảng khuyến cáo, hướng dẫn cho hành khách đi máy bay đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay được bố trí tại các khu vực dễ thấy trong nhà ga. Đơn vị cũng tăng cường bổ sung dung dịch tẩy rửa, nước rửa tay trong các nhà vệ sinh, khu vực công cộng.

HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/242904/hoat-dong-van-tai-khach--no-luc-vuot-kho-chu-dong-phong-chong-dich-covid-19.html