Học sai ngành, đừng sợ!

Niềm vui trúng tuyển đại học thường đi kèm với nỗi lo: Liệu con có chọn đúng ngành, đúng nghề?

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Gia Hưng

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Gia Hưng

Không ít sinh viên sau vài năm chợt nhận ra mình đã đi sai hướng, rơi vào cảm giác chông chênh, hoang mang giữa ngã rẽ tương lai.

Cú sốc chọn sai ngành

Câu chuyện về sinh viên học sai ngành không còn cá biệt mà đã trở thành thực trạng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng. Phổ biến nhất là việc chọn ngành theo áp lực và kỳ vọng gia đình. Nhiều bậc cha mẹ, với mong muốn con có tương lai ổn định, thường định hướng vào những ngành “hot”, dễ xin việc theo quan niệm của thế hệ trước như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin mà không thực sự quan tâm đến năng lực và đam mê của con.

Bên cạnh đó, việc chọn ngành theo xu hướng đám đông, bạn bè, hay đơn giản là chọn ngành vừa đủ điểm trúng tuyển mà không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng cũng là lý do thường gặp. Hệ quả là, sau một vài học kỳ, khi phải đối mặt với những môn học chuyên ngành khô khan và xa lạ, sinh viên mới vỡ lẽ mình đã lầm đường.

Bùi Hoa, sinh viên năm 3 một trường đại học tại TPHCM, chia sẻ: “Em học ngành Quản trị kinh doanh theo ý bố mẹ, nhưng càng học em càng nhận ra mình yêu thích thiết kế đồ họa. Mỗi lần làm bài tập nhóm hay thuyết trình, em cảm thấy gượng ép. Nhìn bạn bè say sưa với ngành học của mình, em vừa tự ti vừa hoang mang, không biết có nên tiếp tục hay không. Bỏ thì tiếc công sức và tiền bạc của bố mẹ, mà tiếp tục thì cảm thấy lãng phí tuổi trẻ”.

Nỗi lo không chỉ của riêng sinh viên mà là gánh nặng của các bậc phụ huynh. Khi biết con mình học sai ngành, nhiều gia đình rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Anh Tuấn Linh, nhân viên văn phòng (Gò Vấp, TPHCM) cho biết xót xa cho khoản đầu tư lớn về tài chính và thời gian đã bỏ ra, lo lắng cho sự nghiệp bấp bênh của con sau này và cả áp lực từ xã hội, từ những lời bàn tán của họ hàng. “Tôi chẳng biết nên tư vấn cho cháu thế nào. Học thì cháu nản, bỏ thì phí tiền bạc, thời gian, ép con thì không nỡ”, anh Linh trăn trở.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Năng lực là chìa khóa

Trước sự băn khoăn, trăn trở của sinh viên và phụ huynh, ThS Nguyễn Văn Tài - Chuyên viên Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng, việc lựa chọn đúng ngành nghề là nền tảng vô cùng quan trọng cho tương lai của các em. Tuy nhiên, nếu không may nhận ra mình đã chọn sai ngành trong quá trình học tập, sinh viên cần bình tĩnh cân nhắc theo hai phương án sau.

Trường hợp thứ nhất, khi ngành học hiện tại có nét tương đồng với ngành bạn mong muốn. Trong trường hợp này, theo ThS Tài, người học nên cân nhắc tiếp tục theo đuổi ngành học hiện tại. Hướng đi này giúp các em tiết kiệm thời gian, chi phí và không bỏ lỡ cơ hội phát triển nghề nghiệp liên quan. Sinh viên hoàn toàn có thể học bổ sung các kiến thức và kỹ năng của ngành mong muốn sau khi ra trường.

Trường hợp thứ hai, ngành học hiện tại hoàn toàn trái ngược với định hướng, mong muốn của người học. Lúc này, sinh viên nên mạnh dạn và dứt khoát dừng lại để bắt đầu với ngành nghề mình thực sự yêu thích. Việc bắt đầu sớm với con đường đúng đắn sẽ giúp bạn theo đuổi đam mê một cách hiệu quả nhất.

ThS Tài cho biết, theo kinh nghiệm làm tuyển sinh và công tác sinh viên, nếu người học cố gắng theo đuổi một ngành học mà bản thân không yêu thích sẽ mang đến hệ quả không tốt. Họ sẽ ra trường với tấm bằng trung bình, kỹ năng chuyên môn yếu và thiếu thái độ tích cực với công việc. “Với hành trang đó, các em sẽ khó để cạnh tranh trong một thị trường lao động ngày càng khốc liệt, đặc biệt khi so sánh với người được đào tạo đúng chuyên ngành và có đam mê thực sự”, ông Tài nói.

Theo ThS Tài, học sinh lớp 12 hiện nay nên đầu tư thời gian tìm hiểu ngành nghề thật kỹ lưỡng từ đầu. Lựa chọn đúng đắn ở giai đoạn này sẽ giúp các em tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và quan trọng nhất là nắm bắt được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Bởi trên thực tế, khi tốt nghiệp, tân cử nhân không chỉ cạnh tranh với người cùng khóa, mà còn phải cạnh tranh với lứa tốt nghiệp trước và sau đó.

“Nếu lựa chọn sai ngành và phải bắt đầu lại, các em sẽ chậm hơn người khác 1 hoặc 2 năm. Điều này đồng nghĩa mức độ cạnh tranh họ phải đối mặt sẽ nhân lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí nhiều hơn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường lao động đòi hỏi rất cao. Nếu không nắm bắt cơ hội và thiếu nền tảng vững chắc, bạn sẽ luôn là người đến sau”, ông Tài nhấn mạnh.

Ở góc nhìn từ thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, cho biết, xu hướng tuyển dụng hiện nay đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp ngày càng ít quan tâm đến ứng viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành được ghi trên bằng cấp, thay vào đó, họ tập trung vào năng lực thực tế, kỹ năng và thái độ của ứng viên. Thị trường lao động vận động và thay đổi không ngừng. Nhiều ngành nghề mới ra đời và cũ biến mất. Khái niệm làm trái ngành đang dần trở thành điều bình thường trong xã hội.

Ông Tuấn phân tích, nhà tuyển dụng hiện đại tìm kiếm một bộ ba: Kiến thức nền tảng - Kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm - Thái độ phù hợp. Việc học sai ngành có thể khiến bạn thiếu chút kiến thức nền tảng, nhưng điều này hoàn toàn có thể bù đắp được thông qua các khóa học ngắn hạn, học online và quá trình tự học. Điều quan trọng là bạn phải chứng minh được mình có kỹ năng để làm việc, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, ngoại ngữ, tin học, và một thái độ ham học hỏi, sẵn sàng cống hiến.

Theo chuyên gia này, nếu các bạn trẻ nhận ra mình học sai ngành, hãy coi đó là một cơ hội để khám phá bản thân sớm hơn. Thay vì chìm đắm trong thất vọng, hãy chủ động xây dựng cho mình một “danh mục kỹ năng”. Hãy tích cực tham gia các dự án, đi thực tập, làm các công việc bán thời gian liên quan đến lĩnh vực mình thực sự yêu thích. Kinh nghiệm thực chiến và những sản phẩm, dự án bạn đã làm được sẽ có giá trị hơn nhiều so với tên một ngành học trên tấm bằng.

“Đừng để nỗi sợ sai lầm làm tê liệt bạn. Hãy xem những năm tháng học dù đúng hay sai ngành, là hành trình để trưởng thành. Cú vấp ngã này sẽ dạy bạn tính tự chủ, khả năng xoay xở và sự kiên cường. Đó chính là những phẩm chất mà không một trường lớp nào dạy được, và lại là thứ mà mọi doanh nghiệp đều tìm kiếm”, ông Tuấn khuyên.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng biến động, người trẻ cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập, trau dồi liên tục. Bên cạnh nền tảng công nghệ ngày càng chiếm ưu thế, kỹ năng mềm cũng trở thành hành trang không thể thiếu. Điều cốt lõi là thị trường luôn cần nguồn nhân lực ở mọi trình độ có khả năng hành nghề thực chất, đó chính là yếu tố giúp người lao động gia nhập thị trường một cách tự tin, hiệu quả và mở rộng cơ hội phát triển lâu dài.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sai-nganh-dung-so-post739788.html