Hội chứng Florence
Một người bạn đã thủ thỉ với tôi rằng 'đi Italy, nhất định phải tới Florence'. Thành phố này ẩn chứa phép thuật khiến trái tim lỡ nhịp và tâm hồn lạc lối. Không phải ngẫu nhiên du khách bốn phương cứ mãi tìm về đây, để khao khát trải nghiệm 'hội chứng Florence' của riêng mình.

Nhà thờ chính tòa Florence với mái vòm gạch đỏ khổng lồ.
Florence, thủ phủ của vùng Tuscany (miền trung Italy), là một trong những thành phố bảo tàng đẹp nhất trên thế giới, nơi vẫn giữ nguyên cấu trúc đô thị lịch sử hơn 2.000 năm tuổi. UNESCO đã thống kê rằng 60% công trình kiến trúc quan trọng nhất của nhân loại nằm tại Italy, và một nửa trong số đó tập trung tại “thánh địa nghệ thuật” này.
Mỗi bước chân trên đá cuội, mỗi ánh mắt chạm vào một kiệt tác, đều giống như lời mời gọi bước vào thế giới xa xăm. Ở đó, lịch sử và nghệ thuật đang sống, đang thở, và kể cho ta nghe câu chuyện vĩnh cửu về con người.
Florence tựa như một cuốn sách cổ, mà cách tốt nhất để đọc nó là tản bộ. Mỗi bước chân như một lần chậm rãi lướt qua từng trang sử. Thế nhưng, khi bạn chưa kịp bừng tỉnh trước lớp đá cẩm thạch trắng muốt của Thánh đường St. John, bản thân lại tiếp tục phải sững sờ trước nhà thờ chính tòa ngay sát đó. Với chiều cao 114m (tương đương tòa nhà 38 tầng), mái vòm gạch đỏ khổng lồ của Brunelleschi được xây dựng bằng kỹ thuật “tự chống đỡ” sẽ khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ trước tham vọng, trí tuệ và ý chí phi thường của con người thời Phục hưng.
Những lời mời gọi lãng du của Florence cứ thế ùa đến không ngừng. Và nếu đầu óc bạn đôi chút quay cuồng, hãy nghỉ chân ở La Ménagère để thưởng thức cốc cappuccino trong không gian đèn chùm cổ kính và hương hoa tươi thơm ngát. Còn không, bạn đơn giản chỉ cần dừng lại và tiếp "nhiên liệu" bằng một tách espresso. Hay thậm chí, đó cũng có thể là một ly vang đặc trưng của vùng Tuscany được phục vụ qua những ô “cửa sổ” nhỏ trên tường - một phong tục cổ xưa độc đáo đến giờ vẫn còn tồn tại.
Florence còn là thành phố ngập tràn những ánh nhìn lịch sử. Bạn có thể nghe thấy những lời thì thầm vang vọng từ bức tượng Mary Magdalene. Đó còn là cái nhíu mày hiên ngang của Thánh George. Giai thoại kể rằng, trong quá trình tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, nhà điêu khắc lừng danh Donatello “nhập tâm” đến mức nói chuyện với chúng như thể với những người sống.
Hay khi bước tới Palazzo Vecchio, danh họa Bronzino đã tạo nên bức chân dung Eleonora di Toledo đầy ma mị. Ánh mắt của bà dường như luôn dõi theo, dù bạn có cố gắng di chuyển ra những góc khác nhau.
Du khách cũng không nhất thiết phải ghé thăm các bảo tàng để tận hưởng không gian nghệ thuật. Bởi quảng trường Signoria chính là phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc khổng lồ giữa lòng đô thị. Những pho tượng cẩm thạch sống động khiến Neptune, Hercules hay Perseus như đang kể cho chúng ta nghe về những câu chuyện thần thoại, về đức tin, tình yêu, hay khát vọng tự do và chiến thắng.
Tới khi dạo bước trên cây cầu Ponte Vecchio, và bạn tự hỏi những ô cửa sổ ở tầng trên cùng là gì? Chắc hẳn bạn đã cảm nhận được những "ánh nhìn" ẩn giấu từ chuỗi hành lang Vasari. Lối đi bộ bí mật trên cao dài khoảng 1 km, xuyên qua Bảo tàng Uffizi nối liền hai cung điện quan trọng nhất của Florence. Chứng kiến dòng người mua sắm bên dưới khiến ta như mở ra thế giới quan mới và phần nào cảm nhận được cuộc sống khác biệt song song trong lòng đô thị ấy, dành riêng cho giới tinh hoa cầm quyền.

Toàn cảnh thành phố Florence.
Và rồi, hãy đi bộ lên quảng trường Michelangelo, phóng tầm mắt chiêm ngưỡng thành phố cổ kính dưới ánh hoàng hôn trầm ấm. Phía sau, bức tượng David dường như cũng đang tựa cằm, đăm chiêu.
Đó cũng là khi tôi nhận ra, hội chứng Florence không chỉ là nét đẹp mê hoặc đến từ những tuyệt tác nghệ thuật, mà còn nằm ở chính những khoảnh khắc giản dị, khi những tia nắng cuối ngày cũng có thể mang đến cảm giác thư thái, yên bình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoi-chung-florence-post894561.html