Hồi chuông cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm đông người, với 232 trường hợp mắc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Ngoài ra, còn ghi nhận 1.189 ca ngộ độc đơn lẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cọ (Thành phố) tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm cho phụ huynh và học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cọ (Thành phố) tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm cho phụ huynh và học sinh.

Theo báo cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), các ca ngộ độc xảy ra là do sử dụng các thực phẩm chứa độc tố tự nhiên, vi sinh vật, hóa chất, thành phần biến chất; số ca không xác định được nguyên nhân chiếm tỷ lệ khá lớn. Đáng tiếc, phần lớn các ca ngộ độc thực phẩm là do nhận thức và ý thức của người dân về vệ sinh ATTP còn hạn chế.

Đặc biệt, ở các xã vùng cao, điều kiện khó khăn, thói quen sử dụng các thực phẩm trong tự nhiên như nấm, bọ xít, rượu ngâm các loại rễ, củ cây rừng tự nhiên... nhưng không phân biệt được thực phẩm có độc và không độc. Hơn nữa, các xã vùng cao giao thông khó khăn, các ca ngộ độc thường chậm được tiếp cận với các cơ sở y tế, nhiều trường hợp không cấp cứu và điều trị kịp thời, dẫn đến diễn biến nặng.

Điển hình như năm 2020, tại huyện Mai Sơn, Yên Châu có 2 trường hợp tử vong do ngộ độc nấm. Mới đây, ngày 25/2/2021, một gia đình tại xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) có 4 người bị ngộ độc nấm, trong đó 2 người ngộ độc nặng được chuyển đi điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Khu vực trung tâm các huyện, thành phố cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, quán ăn vặt, nhất là khu vực gần các trường học. Tại Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cọ (Thành phố), từng có 23 học sinh bị ngộ độc khi ăn xúc xích, chả tôm tại các quán ăn vặt ngoài cổng trường.

Cô giáo Trần Thị Khánh Hồng, Hiệu trường Trường Tiểu học và THCS Chiềng Cọ, cho biết: Vụ ngộ độc xảy ra là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà trường, phụ huynh và học sinh về ATTP. Nhà trường đã tích cực tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các buổi chào cờ, ngoại khóa... Hằng ngày cử đội cờ đỏ kiểm tra không cho học sinh ăn quà vặt trong trường. Yêu cầu phụ huynh quản lý tiền tiêu vặt để bảo vệ sức khỏe con em mình.

Ông Quàng Định, bản Muông (Chiềng Cọ), cho biết: Sau khi có học sinh bị ngộ độc thực phẩm, được các thầy, cô giáo trong nhà trường nhắc nhở, gia đình tôi hạn chế cho cháu tiền mua đồ ăn vặt mà ăn sáng ở nhà trước khi đến lớp. Nếu mua đồ ăn vặt thì có bố mẹ đi cùng, tránh để các cháu mua đồ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo ATTP các cấp đã phát động “Tháng hành động vì ATTP”, đảm bảo ATTP trong thời gian cao điểm, như: Dịp lễ, tết; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP tại bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên hệ thống loa truyền thanh tại các tổ, bản, tiểu khu; lồng ghép truyền thông về ATTP trong các cuộc họp bản, hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, thông tin đến từng cá nhân, hộ gia đình về các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm; dấu hiệu nhận biết các loại thực phẩm tự nhiên có độc và không độc; khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm trong rừng tự nhiên; hướng dẫn việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh ATTP trước, trong và sau quá trình chế biến…

Năm 2020, các cơ quan chuyên môn tại các huyện, thành phố đã tổ chức truyền thông trực tiếp hơn 4.000 buổi cho trên 75.000 lượt người; phát 216 tài liệu, 2.800 tờ rơi, gần 4.500 băng đĩa truyền thông ATTP cho các huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã thành lập 781 đoàn kiểm tra các cấp, tiến hành kiểm tra 5.365 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, qua kiểm tra có 36 cơ sở bị cảnh cáo, nhắc nhở; 96 cơ sở bị xử phạt vi phạm, với tổng số tiền 127 triệu đồng; 14 cơ sở bị tịch thu, tiêu hủy sản phẩm. Ngoài ra, đã hoàn thiện hồ sơ, cấp 419 giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh ATTP cho các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm.

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm không những cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, mà hơn hết cần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi-chuong-canh-bao-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-38152