Hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP

Ngày 21/1, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) tỉnh tổ chức hội nghị thẩm định đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng dự hội nghị. Cùng dự có các thành viên của Hội đồng đánh giá; các chuyên gia, các thành viên của Hội đồng tư vấn; đại diện các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Thực hiện Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 – 2020, các huyện, thành phố đã tiến hành khảo sát và xác định được trên 30 sản phẩm thế mạnh, thuộc các nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, may mặc, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn.

Trong đó, có một số sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, công bố chất lượng. Từ các sản phẩm dự tuyển theo đề xuất của các địa phương, Sở NN&PTNT đã rà soát, hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn thiện hồ sơ.

Sau đó, tổ chức khảo sát thực tế tại các cơ sở; hướng dẫn cho Tổ giúp việc tiến hành thẩm tra hồ sơ, đánh giá, chấm điểm dự thảo đối với các sản phẩm đăng kí đánh giá, xếp hạng. Có 12 sản phẩm của 9 đơn vị đủ điều kiện để trình Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng.

Tại hội nghị, các thành viên của Hội đồng đã được nghe đại diện các cơ sở sản xuất giới thiệu về câu chuyện sản phẩm, các chỉ tiêu đánh giá về chất lượng sản phẩm (cảm quan, tính độc đáo, tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế), việc tổ chức sản xất, phát triển sản phẩm. Trên cơ sở kết quả chấm điểm của Tổ giúp việc, tại hội nghị, các thành viên hội đồng đánh giá, xếp hạng đã chấm điểm cho các sản phẩm.

Kết quả sơ bộ, có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao là: gốm Bồ Bát, thêu ren truyền thống của công ty Minh Trang, thủ công mỹ nghệ từ cói của công ty Thành Hóa, 4 sản phẩm rượu của công ty Nga Hải, mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ, cơm cháy Cố Đô, cơm cháy Linh Phương; 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao là tinh bột nghệ vàng của HTX dược liệu Yên Sơn và rau Khánh Thành.

Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, khẳng định: Ninh Bình là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế. Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm này. Tuy nhiên, đây là việc khó nên chúng ta phải triển khai từng bước, đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả.

Đồng chí nhấn mạnh: Về cơ bản, hiện nay các sản phẩm tham gia đánh giá đều đã được thị trường chấp nhận nhưng sau khi đã được đánh giá xếp hạng cấp tỉnh, các chủ thể cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời áp dụng những phương pháp khoa học công nghệ vào sản xuất để mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu.

Qua đó, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, phát triển xã hội nông thôn bền vững, đồng thời góp phần mở rộng không gian dịch vụ du lịch của tỉnh.

Hà Phương- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-danh-gia-xep-hang-san-pham-ocop-2020012102313935p2c20.htm