Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Sáng 11/8, với chủ đề 'Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững', hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã khai mạc, kết nối trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Tham dự ở điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, sau hơn 2 năm chống dịch đến nay Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm chia sẻ khó khăn, mất mát thậm chí hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong hơn hai năm phòng, chống dịch vừa qua. Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực, sáng tạo, vươn lên, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại hội nghị cho biết: Nhờ các chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường ngoại tệ giữ ổn định, mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý.

Trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp (tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021); số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 134 nghìn doanh nghiệp (vượt xa con số 100 nghìn doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 là 3.335.810 tỉ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu lên khó khăn mà họ đang phải đối mặt hiện nay như: Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động, áp lực chi phí liên quan đến người lao động tăng; khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng; tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào sản xuất... Nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ nới lỏng tín dụng, ưu tiên về lãi suất,...

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn… Hiệp hội Doanh nghiệp logistics đề xuất Chính phủ có cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất, nhập khẩu cho đội tàu Việt Nam trên cơ sở giá thắng thầu vận tải.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định bối cảnh biến động trên thế giới chưa dừng lại, trong khi đó nội tại nền kinh tế nước ta còn những khó khăn, tồn đọng và phát sinh.

Để đủ sức chống chọi với các tác động bên ngoài chúng ta phải có được các doanh nghiệp mạnh. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng cam cộng khổ với nhân dân, đất nước để vượt qua các khó khăn trước mắt, lâu dài.

Chính phủ cam kết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Phát triển thị trường vốn, bất động sản, lao động... an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai.

Về tín dụng, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ khó khăn với các tổ chức tín dụng, song cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho những lĩnh vực quan trọng.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát vướng mắc của tất cả các doanh nghiệp, có phương án xử lý dứt điểm, nếu vượt thẩm quyền phải báo Chính phủ trước ngày 31/8. Đồng thời, phải thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để "làm mồi" dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực của xã hội trong đó có doanh nghiệp.

Các bộ nghiên cứu giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp; làm tốt công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin, dự báo chiến lược giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong kinh doanh, không "lòng vòng", sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguyễn Lựu-Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-thu-tuong-chinh-phu-voi-doanh-nghiep/d20220811140845641.htm