Hội thảo khoa học 80 năm 'Nhật ký trong tù' - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng

Chiều 18/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học 80 năm 'Nhật ký trong tù' - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng hội thảo. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì hội thảo có PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Hội thảo nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời, sức sống và giá trị lớn lao, sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng của tác phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kết quả của hội thảo là những luận cứ khoa học để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn giúp Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, giáo dục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp thu và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia "Nhật ký trong tù".

Ban tổ chức mong muốn, Hội thảo cũng là dịp làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề cơ bản: Quá trình chuyển ngữ Ngục trung nhật ký từ Hán ngữ sang Việt ngữ và từ Việt ngữ sang các ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới; Những giá trị tư tưởng, văn hóa, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua Nhật ký trong tù; Giá trị nhân văn cao cả, vẻ đẹp tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù khổ ải; Những giá trị nghệ thuật to lớn của tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Việc dạy và học tác phẩm Nhật ký trong tù trong nhà trường hiện nay; Hành trình lan tỏa sâu rộng của Nhật ký trong tù đối với giới nghiên cứu cũng như ban đọc trong nước và thế giới. Phát huy những giá trị của Nhật ký trong tù, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận của các nhà khoa học trong nước (ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam) và nước ngoài. Các tác giả có tham luận là thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện Liên hiệp hội và 10 hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương và một số địa phương; các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các phóng viên báo, đài, tạp chí ở Trung ương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng và chất lượng các tham luận cho thấy tình cảm, tâm huyết; tinh thần làm việc rất nghiêm túc, rất đáng trân trọng của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề Hội thảo và với đối với tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Nhận định về tác phẩm "Nhật ký trong tù", GS Phong Lê cho rằng: Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là tập thơ chữ Hán được Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 9/1943 sau ngót 14 tháng bị giam cầm trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc). Đó là tác phẩm có một số phận đặc biệt. Cùng với số phận là một giá trị đặc biệt. Một giá trị không phải chỉ là lớn, là vô giá, mà đã trở thành Bảo vật Quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Đồng quan điểm với GS. Phong Lê, GS Hà Minh Đức nhận định: Tập thơ là báu vật Quốc gia. Có thể tìm thấy qua chuyện đánh cờ kiến thức chính trị về thế nước. Với cuộc đời nhiều trải nghiệm, nhiều cảnh ngộ có thể tìm thấy lời giải đúng đắn việc đời. Với cá nhân lâm cảnh khó khăn tìm ra bài học đường đời. 80 năm đã qua Nhật ký trong tù vẫn là thiên cẩm nang cách mạng, cuốn sách giáo khoa về cuộc sống xã hội. Người đã đi xa nhưng trí tuệ tình thương còn để lại cho đời.

Được biết, sau Hội thảo, Hội đồng sẽ tổ chức biên tập các bài tham luận, in Kỷ yếu. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho các cơ quan và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ; các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoi-thao-khoa-hoc-80-nam-nhat-ky-trong-tu-nhung-gia-tri-ben-vung-suc-lan-toa-sau-rong-20230818211705202.htm