Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023)

Ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: '80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển'. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội, kết hợp với trực tuyến kết nối với điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Phú Thọ

Dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Dự hội thảo tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Lâm - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới - “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hội thảo gồm hai phiên thảo luận là: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước giai đoạn mới. Các ý kiến tham luận thống nhất khẳng định: Trải qua 80 năm, các luận điểm của Đề cương xác định về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị; ý nghĩa trung tâm của con người trong phát triển văn hóa; và các nguyên tắc vận động của văn hóa đã được chứng minh là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hình đường lối và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”. Các ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Giá trị lớn lao và sức sống của Đề cương văn hóa Việt Nam đã để lại những bài học quý báu, trong đó có bài học về việc kiên định, kế thừa và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử; về huy động sự tham gia đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bài học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: Phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam. Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời của đề cương văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin tưởng vững chắc rằng: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/hoi-thao-khoa-hoc-cap-quoc-gia-80-nam-de-cuong-van-hoa-viet-nam-1943-2023/191128.htm