Hồi ức của người cựu tù Phú Quốc

Bị thương khi chiến đấu rồi bị địch bắt, trải qua ba năm gian khổ ở nhà tù Phú Quốc, nhưng người lính Cụ Hồ Hoàng Văn Cường vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Trở về quê hương, ông nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống và tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Ông Nguyễn Văn Cường

Ông Nguyễn Văn Cường

Một ngày tháng Bảy, chúng tôi đến xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông để gặp cựu chiến binh Hoàng Văn Cường. Đón chúng tôi trong căn nhà cấp bốn giản dị là người đàn ông tóc đã hoa râm, giọng nói hào sảng, gương mặt cương nghị. Rót chén chè xanh, ông kể cho chúng tôi nghe những ký ức đầy tự hào của một thời hoa lửa...

Sinh năm 1950, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, thanh niên Nguyễn Văn Cường tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào tham gia chiến đấu tại chiến trường niềm Nam. Khi đến Lộc Ninh (Bình Phước), đơn vị vừa dừng chân được 4 ngày thì bị địch rải bom B52, hy sinh mất 4 người. Tiếp tục hành quân đến Bình Long (Bình Phước), tại đây ông đã tham gia chiến đấu trận đầu tiên.

Ông Cường ngậm ngùi: "Ở lần chiến đấu thứ nhất, toàn đơn vị chỉ bị tổn thất nhẹ, đến lần chiến đấu thứ hai thì đau xót vô cùng. Cả đơn vị chúng tôi chỉ gần 100 người, được giao nhiệm vụ đánh Lữ đoàn kị binh bay có gần 2.000 quân địch. Vì chênh lệch lực lượng quá lớn, nên ngay từ đầu chúng tôi xác định là chỉ cầm chân bọn chúng, không cho địch đi trực thăng để hỗ trợ những nơi quân ta tấn công. Biết trận này nguy hiểm, chúng tôi đã xác định giữ vững tinh thần, dù thế nào cũng chiến đấu đến cùng, quyết không lùi bước.

Đến nửa đêm, chúng tôi chia thành 3 mũi tấn công, mỗi mũi khoảng 20 người, sau khi tiến vào sân bay, mọi người nằm yên đợi đến giờ đã thống nhất; nhưng khi còn vài phút bỗng thấy địch bắn pháo sáng khắp nơi, biết là bị lộ nên tất cả liều mình xông lên. Tôi được giao bắn B40, khi đã phá được lô cốt và làm nổ nhà máy phát điện của địch thì bị một quả pháo nơi ngay bên cạnh, một đồng đội cách tôi vài bước chân đã hy sinh. Tôi tiếp tục tiến vào trong, nhưng chạy một đoạn thấy cả người run rẩy, ướt sũng, hóa ra tôi đã trúng 5 mảnh đạn vào chân và tay.

Đội trưởng bảo tôi quay lại trị thương, nhưng khi bò đến gần lối ra thì thấy địch đã cho xe tăng chặn lại. Vậy là tôi nằm đó, đưa mắt hướng ra cửa, đợi mãi mà không thấy một đồng đội nào thoát ra được, đến gần sáng tiếng súng yên lặng, tôi nhớ về gia đình ở quê, nhắm mắt nghĩ đến gương mặt của gần 100 đồng chí cùng đơn vị, xác định rằng chúng tôi đều nằm xuống ở đây. Nhưng bỗng nhiên thấy một nhóm người lao đến, phun hơi cay vào mắt tôi và lôi đi"…

Sau khi bị bắt, anh lính trẻ Nguyễn Văn Cường bị giam ở nhà lao Biên Hòa, rồi tiếp tục bị đưa đến nhà tù Phú Quốc rồi ở đó gần 3 năm. Trong suốt thời gian ấy, ông đã trải qua nhiều lần bị đàn áp và tận mắt chứng kiến sự dã man, tàn bạo của quân địch. Theo lời ông, dù bị cầm tù, nhưng ý chí của mỗi người lính trong tù đều rất kiên định, quyết không chịu nhục, dù sau đó có khi bị xả súng hi sinh. “Ở trong tù, nhưng chúng tôi vẫn sinh hoạt Đảng, sinh hoạt Đoàn, không thể tập trung đông thì chia thành nhóm nhỏ 2-3 người. Chúng tôi tin tưởng vào ngày chiến thắng, đoàn kết, động viên nhau phải luôn giữ vững tinh thần, mạnh mẽ sống và trung thành với Tổ Quốc vì ngoài kia biết bao đồng đội, đồng chí đang đổ máu chiến đấu”- ông Cường nhớ lại.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông Nguyễn Văn Cường được trao trả và trở về quê hương năm 1974. Sau khi lập gia đình, dù sức khỏe yếu do nhiều vết thương để lại, ông vẫn tích cực trong lao động sản xuất và nhiệt tình tham gia vào các hoạt động chung của địa phương. Từ năm 1990 đến năm 2005, ông đã được người dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Đến nay đã hơn 70 tuổi, mỗi khi thay đổi thời tiết, những vết thương vẫn khiến ông mất ngủ. Dù vậy cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Cường vẫn cười lạc quan: "Tuổi trẻ chỉ có một lần, nên được cống hiến, phục vụ cho Đất nước là hạnh phúc, là vinh dự. Bây giờ thế hệ trẻ cũng đang phải nỗ lực từng ngày để phát triển kinh tế, đẩy lùi dịch bệnh và giữ vững hòa bình, độc lập"…

Với những đóng góp của mình, năm 1997, thương binh - cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 2012 tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

Bích Phượng

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202107/hoi-uc-cua-nguoi-cuu-tu-phu-quoc-5f217b3/