Hôm nay (ngày 25/10), Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi các Luật: Thanh tra, Dầu khí, Giao dịch điện tử và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hôm nay, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự thảo sửa đổi các Luật: Thanh tra, Dầu khí, Giao dịch điện tử và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường chiều ngày 24/10.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường chiều ngày 24/10.

Buổi sáng: Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Buổi chiều: Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

* Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Dự thảo Luật hiện được xây dựng với bố cục 8 chương, 117 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước. Dự luật quy định rõ mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày 17/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu và giải trình cơ bản đầy đủ, chi tiết ý kiến của đại biểu Quốc hội và tạo được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan. Chất lượng dự thảo Luật đến nay rất tốt và có thể trình để Quốc hội xem xét, quyết định.

* Ngày 16/8/2022, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, Luật Dầu khí và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi.

Theo đó, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 11 chương 64 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), bao gồm:

Thứ nhất, chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí.

Thứ hai, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Thứ ba, Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Thứ tư, Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

Thứ năm, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.

Thứ sáu, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-ngay-2510-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-thao-sua-doi-cac-luat-thanh-tra-dau-khi-giao-dich-dien-tu-va-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-203244.html