Hơn 40% các công ty lớn tại Nhật Bản báo cáo kết quả kinh doanh 'kém sắc'

Công ty chứng khoán Nikko SMBC cho biết hơn 40% số công ty lớn tại Nhật Bản ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hoặc thua lỗ do kinh tế khó khăn trong nửa đầu năm tài chính 2022.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kết quả do Nikko SMBC tổng hợp, trong số 609 công ty công bố báo cáo kinh doanh trong 6 tháng (kết thúc vào tháng 9) trước ngày 4/11, có 266 công ty ghi nhận hiệu quả hoạt động giảm sút. Tính theo lĩnh vực, 16 trong số 33 ngành, nghề ghi nhận xu hướng này.

Đáng chú ý, ngành tiện ích chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số tất cả các lĩnh vực. Các công ty điện và khí đốt báo cáo lỗ ròng tổng cộng 434,96 tỷ yen do chi phí nhiên liệu tăng cao.

Tổng lợi nhuận ròng của các nhà sản xuất chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6.520 tỷ yen (44 tỷ USD), trong đó lợi nhuận của các nhà sản xuất thực phẩm giảm 54%.

Lợi nhuận ròng của các nhà chế tạo thiết bị, phương tiện giao thông như các công ty ô tô giảm 16,2%, trong khi các công ty xây dựng giảm 20,2%. Ngược lại, các nhà sản xuất thép ghi nhận lợi nhuận tăng 21,3% nhờ tăng giá bán.

Các công ty vận tải đường bộ và hàng không tăng trưởng trở lại khi nhu cầu đi lại phục hồi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có xu hướng lắng xuống.

Lợi nhuận ròng của các công ty vận tải biển tăng gấp đôi khi hoạt động kinh tế tăng lên.

Thực tế trên chứng tỏ nhiều công ty đang gặp khó khăn do giá năng lượng và chi phí nguyên liệu thô tăng cao kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu hàng hóa leo thang do đồng yen mất giá mạnh so với đồng USD và nhiều đồng ngoại tệ khác.

Theo Hikaru Yasuda, chiến lược gia cổ phiếu tại SMBC Nikko, tác động tiêu cực của tình trạng kinh tế toàn cầu giảm tốc có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.

Kết quả kinh doanh sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty có thể tăng giá sản phẩm tương ứng với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao hay không./.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hon-40-cac-cong-ty-lon-tai-nhat-ban-bao-cao-ket-qua-kinh-doanh-kem-sac/264871.html