Họp báo Chính phủ thường kỳ: Đề cập nhiều vấn đề 'nóng'

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều tối ngày 4-9, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã trả lời các câu hỏi về một số vấn đề được dư luận quan tâm.

Quyết tâm mở lại các đường bay quốc tế

Trao đổi về việc mở lại các đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là quyết tâm mở lại các đường bay quốc tế nhưng có kiểm soát, vừa triển khai thực hiện, vừa rút kinh nghiệm để mở rộng dần. Trước mắt, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì tham mưu, với các điểm đến là những quốc gia kiểm soát dịch tương đồng như Việt Nam. Ngày 3-9, Bộ Giao thông Vận tải mới gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, nên đến nay chưa có kết luận; các giải pháp về cách ly hành khách cũng chưa rõ nên Chính phủ chưa thể đưa ra quyết định về vấn đề này.

Đề cập về việc chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an thay vì Bộ Giao thông Vận tải như hiện nay như đề xuất trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nguyên tắc chỉ đạo nhất quán của Chính phủ hiện nay là một việc chỉ giao cho một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cho cơ quan đó. Những gì liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực của Bộ Công an; trong khi việc cấp giấy phép lái xe đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ, do đó có đề xuất nêu trên. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn đang trong quá trình xin ý kiến. Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo trước khi báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.

Làm rõ thêm vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, quan điểm của Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải khi xây dựng dự thảo không phải là chuyện “quyền anh, quyền tôi”, mà vì mục tiêu quản lý tốt nhất các lĩnh vực được luật điều chỉnh.

Thiếu tướng Tô Ân Xô trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai

Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Công an cũng trao đổi về một số vụ án đang được dư luận quan tâm.

Liên quan đến vụ án nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Đây là vụ án nghiêm trọng khi các đối tượng đã nâng khống giá thiết bị y tế lên rất cao, dẫn đến chi phí khấu hao mà người bệnh phải trả khi sử dụng dịch vụ tăng lên gấp nhiều lần. Ví dụ, hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, thay vì chỉ phải trả khoảng 4 triệu đồng/ca, nhưng do thiết bị bị nâng khống từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, người bệnh phải chi trả tới 23 triệu đồng/ca. Với 550 ca bệnh đã sử dụng thiết bị này, những người liên quan đã chiếm đoạt từ người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Trả lời về trách nhiệm liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm pate Minh Chay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới sản xuất sản phẩm pate. Chất lượng sản phẩm pate Minh Chay do công ty này công bố.

Về các ý kiến xung quanh việc tính giá điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đang có sự thiếu thống nhất trong cách hiểu Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam cũng như thông tư của Bộ. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp ý kiến, ban hành công văn làm rõ để thống nhất cách hiểu và cách thực hiện các văn bản nêu trên.

“Tinh thần chung là tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, vì điện mặt trời là năng lượng tái tạo, nước ta rất có tiềm năng. Hơn nữa, điện mặt trời mái nhà ít ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rất thuận lợi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/977651/hop-bao-chinh-phu-thuong-ky-de-cap-nhieu-van-de-nong