Hợp tác chiến lược EU-Ấn Độ ở trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

EU-Ấn Độ có mối quan hệ chiến lược thực chất, có thể giúp định hình lại thế giới và thúc đẩy trật tự đa cực thời hậu Covid-19.

Ngày 22/2, Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ nhất đã diễn ra tại thủ đô Paris dưới sự chủ trì của Pháp trên cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) của Pháp. Ngoại trưởng của 27 quốc gia thành viên EU và 30 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã tham dự Diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Nhân sự kiện quan trọng này, Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain đã có bài viết đăng trên tờ The Indian Express, trong đó khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain, EU và Ấn Độ còn nhiều dư địa hợp tác để đẩy mạnh phát triển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: The Economic Times)

Theo Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain, EU và Ấn Độ còn nhiều dư địa hợp tác để đẩy mạnh phát triển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: The Economic Times)

Nhận diện và giải quyết các vấn đề

Theo Đại sứ Emmanuel Lenain, các vấn đề đáng lo ngại hiện nay tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có thách thức an ninh, là mối quan tâm của tất cả các nước EU. Châu Âu đã đưa ra giải pháp là một chương trình nghị sự, với những biện pháp giải quyết toàn diện và tích cực, thay vì đối đầu quân sự.

Đây cũng là những nguyên tắc chính trong Chiến lược Hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU được công bố vào tháng 9/2021. Châu Âu có thể cung cấp cho các nước trong khu vực một mô hình bền vững, minh bạch để bảo tồn chủ quyền và một giải pháp thay thế cho các mô hình khác.

Diễn đàn hợp tác lần này thể hiện nỗ lực của Pháp trong việc biến chiến lược kể trên thành hành động. Đại sứ Pháp tại Ấn Độ cho biết: “Pháp đang thực hiện các dự án cụ thể trong ba lĩnh vực ưu tiên bao gồm: an ninh - quốc phòng, khả năng kết nối và hàng hóa thông thường. Đối với mỗi vấn đề, Pháp tin rằng Ấn Độ có vai trò trung tâm”.

Với tư cách là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp có cam kết lâu dài về việc thượng tôn luật biển trong khu vực, đặc biệt là thông qua sự hiện diện thường trực của lực lượng hải quân thường trực Pháp, cũng như việc nước này thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, ví dụ như cuộc tập trận Varuna hằng năm giữa Pháp với Ấn Độ.

Ở cấp độ quốc gia, các nước EU khác cũng ngày càng hiện diện nhiều hơn tại khu vực. Pháp tin rằng sự tham gia mạnh mẽ hơn của châu Âu sẽ giúp khu vực ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh, qua đó, thể hiện vai trò của EU trong việc mang đến sự ổn định tại đây.

Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có rất nhiều nhu cầu về kết nối và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trên lập trường của Pháp, các quốc gia trong khu vực không nên rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững vì phải chạy theo những nhu cầu trên.

Sáng kiến Cổng toàn cầu (Global Gateway) của EU được công bố vào tháng 12/2021 hy vọng sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách huy động 300 tỷ Euro từ các nguồn lực của các tổ chức thuộc EU và 27 quốc gia thành viên nhằm xây dựng các liên kết bền vững.

Diễn đàn cũng tập trung vào việc tăng cường kết nối giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không và kỹ thuật số. Tháng 5/2021, EU và Ấn Độ đã ký kết quan hệ Đối tác kết nối tại Porto, và thỏa thuận có thể là một trụ cột trong sáng kiến chiến lược này.

Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ nhất diễn ra tại Paris, Pháp ngày 22/2.

Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ nhất diễn ra tại Paris, Pháp ngày 22/2.

Giải quyết các thách thức toàn cầu

Đại sứ Lenain khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và khả năng phục hồi sức khỏe sau đại dịch.

Tại Diễn đàn, EU đề xuất sự hỗ trợ giải quyết các thách thức trên, bao gồm cả về tài chính xanh, để đạt được quá trình chuyển đổi sinh thái của của các quốc gia trong khu vực. Điều này sẽ có ý nghĩa lớn với nỗ lực của Ấn Độ nhằm đạt được các mục tiêu mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề ra tại COP26.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học và ô nhiễm nhựa, nhà ngoại giao Pháp cho biết hai nước có thể cùng nhau hành động để thúc đẩy các hành động đa phương, thể hiện qua việc Ấn Độ tham gia liên minh quốc tế do Pháp khởi xướng để bảo vệ 30% đất đai và biển vào năm 2030 (Liên minh tham vọng cao vì thiên nhiên và con người). Ngoài ra, Pháp và Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác về các khu bảo tồn và vườn quốc gia.

Cũng tại Diễn đàn, các bộ trưởng thảo luận về các bước cụ thể để củng cố chủ quyền về y tế và thúc đẩy cách tiếp cận “Một sức khỏe” (One health) để ứng phó với đại dịch.

Pháp đề xuất thành lập một cơ sở y tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Ấn Độ, nhằm tập hợp thế mạnh dược phẩm của Ấn Độ và thế mạnh công nghệ của châu Âu vì lợi ích của khu vực.

Thúc đẩy trật tự đa cực hậu đại dịch

Đại sứ Emmanuel Lenain cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các căng thẳng ngày một gia tăng, mục tiêu cốt lõi trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp là củng cố chủ quyền của châu Âu và khả năng tự quyết của Pháp.

Nỗ lực này phù hợp với nguyện vọng cơ bản của Ấn Độ về quyền tự chủ chiến lược. Đó là lý do tại sao Pháp tin rằng EU có thể là đối tác quan trọng của Ấn Độ để định hình lại thế giới thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và thúc đẩy một trật tự đa cực.

Pháp có thể tận dụng mối quan hệ song phương tuyệt vời của mình và động lực từ Hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ diễn ra hồi tháng 5 vừa qua để thực hiện tầm nhìn kể trên.

Nhà ngoại giao Pháp khẳng định, diễn đàn hợp tác lần này chính là cơ hội tốt để Pháp và Ấn Độ đặt quan hệ đối tác chiến lược EU-Ấn Độ vào trung tâm của thỏa thuận mới cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

(theo Indian Express)

Thùy Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-chien-luoc-eu-an-do-o-trung-tam-an-do-duong-thai-binh-duong-174933.html