HTX chủ động ứng phó bão Wipha
Bão số 3 Wipha đang hình thành và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, đặt ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là các Hợp tác xã (HTX) trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, khác với sự bị động của những năm trước, nhiều HTX đang cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong chuẩn bị, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, hứa hẹn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bão lũ ngày càng khó lường, việc chủ động phòng chống đã trở thành kim chỉ nam cho các HTX.
Từ những bài học xương máu
Để đảm bảo dòng chảy được thông thoáng, thuận lợi tiêu úng trong trường hợp bão vào gây mưa lớn, ngày 20/7 và sáng 21/7, tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Xá (xã Đông Hưng, tỉnh Hưng Yên) đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khơi thông dòng chảy, thu gom đăng đó, vó bè… trên các dòng sông, kênh, mương. HTX cũng tiến hành chặt tỉa một số cây xanh để hạn chế bị ngã, đổ khi bão về.
Hiện, toàn bộ diện tích lúa mùa của HTX dịch vụ nông nghiệp xã Minh Quang (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cũ, nay là xã Vũ Thư, tỉnh Hưng Yên) đang trong thời kỳ bén rễ hồi xanh, lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, cơn mưa giông chiều tối và đêm ngày 19/7 đã làm cho cục bộ một số diện tích lúa mới cấy bằng máy bị ngập.

Chủ động khơi thông dòng chảy là một trong những việc mà nhiều HTX quan tâm thực hiện để phòng chống bão lũ.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn vụ Mùa điều tiết nước hợp lý theo công thức “Nông - Lộ - Phơi” xen kẽ. Giai đoạn lúa mới cấy cần giữ mực nước nông thường xuyên để cho lúa nhanh bén rễ hồi xanh, tăng khả năng chống nóng cho cây, tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón, đồng thời hạn chế cỏ dại và lúa cỏ phát triển.
Do đó, khi một số diện tích bị gặp mưa lớn gây ngập úng, HTX Minh Quang đã khẩn trương tháo nước, tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu. Bởi nếu để ngập lâu, khi gặp nắng nóng cây lúa sẽ xảy ra hiện tượng cây yếu, thân rớt, thậm chí gây thối và chết.
Và trong khi thoát nước, nếu ruộng có rong rêu, HTX đã hướng dẫn thành viên và người dân té nước lên lá lúa để rong rêu không bám trên mặt lá tạo điều kiện thuận lợi cho cây quang hợp tốt hơn sau ngập úng. Đối với những diện tích bị ngập úng cục bộ, diện tích lúa mới cấy sau khi mưa, HTX cùng thành viên thực hiện tháo nước ngay nhưng rút nước từ từ tránh làm trôi dạt, dập gãy cây. HTX cũng phun một số chế phẩm hỗ trợ phục hồi bộ rễ như K-H, Pennac P,... và tuyệt đối không bón đạm đơn vì dễ khiến cây yếu hơn.
Theo ban giám đốc HTX Minh Quang, bão số 3 dự kiến độ bộ vào khu vực các tỉnh Bắc bộ sẽ gây mưa lớn từ 200 – 350mm, có nơi cao trên 600mm, nên phương án bơm, tháo rút nước để điều tiết nước hợp lý trước trong và sau bão là rất quan trọng. Muốn vậy, cần theo dõi sát sao để nếu có thể, HTX sẽ khoanh vùng những diện tích lúa bị úng để dùng máy bơm, khơi dòng chảy nhằm tiêu thoát nước kịp thời.
Tại HTX Rau an toàn Tứ Xã (Phú Thọ), công tác chuẩn bị còn được cụ thể hóa bằng việc lập danh sách các hộ có diện tích sản xuất lớn, hướng dẫn chi tiết phương án che chắn, bảo vệ cây trồng. Ngay khi nhận được thông tin về bão Wipha, HTX đã thông báo rộng rãi và hướng dẫn thành viên, hộ liên kết khẩn trương thu hoạch rau màu đã đến lứa. Những luống rau còn non thì được hướng dẫn che chắn kỹ lưỡng bằng lưới, bạt. HTX cũng đã chuẩn bị các phương án tiêu úng khẩn cấp, sẵn sàng huy động máy bơm công suất lớn nếu có mưa lớn kéo dài.
Chiến lược đồng bộ, hỗ trợ kịp thời
Không chỉ là sự chủ động từ cơ sở, việc các HTX sẵn sàng ứng phó với bão Wipha còn được hậu thuẫn bởi sự chỉ đạo sát sao và những biện pháp hỗ trợ đồng bộ từ ngành nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã ban hành nhiều công điện khẩn, chỉ đạo các địa phương và đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Thủy lợi đã đưa ra các khuyến cáo cụ thể về kỹ thuật phòng chống cho từng loại cây trồng, vật nuôi và công trình thủy lợi.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&MT), cho biết đơn vị đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Sở NN&MT địa phương để nắm bắt tình hình chuẩn bị của các HTX. Ngành đã chỉ đạo các HTX chủ động rà soát cơ sở vật chất, hệ thống nhà kho, chuồng trại để có phương án gia cố kịp thời. Đồng thời, tập trung hướng dẫn thành viên thu hoạch nhanh gọn các loại cây trồng, vật nuôi đến kỳ thu hoạch, tránh để thiệt hại do ngập úng, đổ ngã.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà không ít HTX đang lo lắng trong thời điểm này là các chính sách hỗ trợ đối với ngành nông nghiệp, HTX liệu có được triển khai kịp thời? Các quỹ phòng chống thiên tai nếu sẵn sàng hỗ trợ HTX và bà con nông dân trong việc khắc phục hậu quả hay ngành ngân hàng có kế hoạch ưu tiên cho HTX vay vốn khôi phục sản xuất sau bão (nếu chẳng may gặp rủi ro) sẽ giúp các HTX có thể chủ động sản xuất kinh doanh.
Ông Ngô Tất Thắng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, cho biết Quảng Ninh có 1.087 HTX, trong đó 71% là HTX nông nghiệp. Khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đang tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 35.000 thành viên, chiếm 11% lao động cả tỉnh. Trong đợt bão Yagi, Quảng Ninh thiệt hại khoảng 600 triệu USD, trong đó các HTX thiệt hại không nhỏ.
Một vấn đề được Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh lưu ý đó là hiện nay, phòng vệ thương mại rủi ro, cụ thể là bảo hiểm nông nghiệp cho các HTX đã được nói đến nhưng chưa thực sự đi vào thực tiễn khiến nhiều HTX vẫn "lực bất tòng tâm" khi đối mặt với những biến động khó lường của thị trường, thời tiết.
Còn theo các chuyên gia, ngoài bảo hiểm nông nghiệp, các cơ chế phòng vệ thương mại như bảo hiểm giá nông sản, hợp đồng tương lai, hoặc các quỹ bình ổn giá chưa thực sự được áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong hoạt động của HTX. Mặc dù đã có một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp mang tính cục bộ, chưa tạo thành một cơ chế phòng vệ vững chắc trên diện rộng.
Trong khi HTX nông nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ, hay bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, thị trường. Họ rất cần những công cụ phòng vệ rủi ro thị trường hiệu quả, nhưng hiện tại, các sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro giá cả hay biến động thị trường lại chưa được phát triển mạnh mẽ. Điều này khiến các HTX dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động.
Do đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các HTX cùng với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp trước cơn bão Wipha đã cho thấy một sự thay đổi tích cực trong công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những hành động ứng phó trước mắt, tạm thời. Các HTX vẫn cần những cơ chế cụ thể, thiết thực hơn nữa để nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai. Đây mới là yếu tố then chốt để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-chu-dong-ung-pho-bao-wipha-1108277.html