HUCE: Ngành Kỹ thuật Vật liệu - Nền tảng cốt lõi cho công nghiệp hiện đại và bền vững

Với đà phát triển mạnh mẽ của ngành Kỹ thuật Vật liệu ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cơ hội việc làm của người học sau khi tốt nghiệp sẽ rất lớn.

Chính thức mở từ khóa tuyển sinh K65 vào năm 2020, đến nay, ngành Kỹ thuật Vật liệu tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đã tròn 5 khóa tuyển sinh và có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp bậc cử nhân (K65 và K66), đánh dấu cột mốc phát triển trong hệ thống đào tạo của nhà trường.

Tuy là ngành còn non trẻ trong hệ thống đào tạo của nhà trường, nhưng ngành Kỹ thuật Vật liệu đã nhanh chóng khẳng định được vai trò thiết yếu, luôn bắt nhịp với xu thế đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ vật liệu hiện đại trong nước và quốc tế.

Nhu cầu phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ

Ngành Kỹ thuật Vật liệu không chỉ là "xương sống" cho sự phát triển của lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, giao thông, năng lượng và công nghệ cao, mà còn là “hạt nhân” quan trọng trong công cuộc chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển vật liệu bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các vật liệu mới như vật liệu thông minh, nano, vật liệu in 3D, bê tông tính năng cao, vật liệu tái chế,... đang định hình lại tư duy thiết kế và sản xuất. Do đó, ngành Kỹ thuật Vật liệu là cầu nối quan trọng giữa khoa học, kỹ thuật và đời sống, tạo nên giải pháp nền tảng cho phát triển bền vững.

 Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có cơ hội được đi thực tập, tham quan ở các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu và trải nghiệm nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có cơ hội được đi thực tập, tham quan ở các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu và trải nghiệm nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị. Ảnh: NTCC.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Viết Thiên Ân – Trưởng Khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay, nguồn cung nhân lực của ngành Kỹ thuật Vật liệu trên cả nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường, đặc biệt ở các đô thị phát triển, khu công nghiệp và dự án đầu tư lớn.

Vì vậy, để phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Vật liệu cần có những chính sách ưu tiên, học bổng khuyến khích sinh viên giỏi, mở rộng liên kết đào tạo – nghiên cứu – thực hành giữa các cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp, đồng thời truyền thông tốt hơn để học sinh trung học phổ thông hiểu rõ tiềm năng của ngành học này.

Định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn nhằm mở rộng cơ hội nghề nghiệp

Với tôn chỉ "Đào tạo đi cùng thực tiễn", chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Vật liệu của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được triển khai theo định hướng ứng dụng – đổi mới sáng tạo – tích hợp công nghệ số.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Viết Thiên Ân, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Vật liệu được trang bị đủ những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học của lĩnh vực này để có thể tích lũy hiểu biết, xây dựng nền tảng chung về các nhóm vật liệu chính như Ceramic, Polyme-Compozit, Vô cơ; và các vật liệu tiên tiến như vật liệu nano, vật liệu màng mỏng; hướng tới vận dụng và phát triển các công nghệ chế tạo vật liệu phù hợp với cấu trúc và tính chất.

 Sinh viên tham gia Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường. Ảnh: NTCC.

Sinh viên tham gia Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường. Ảnh: NTCC.

Nhà trường chú trọng thiết kế chương trình học hiện đại, linh hoạt, cập nhật xu thế công nghệ vật liệu trong xây dựng và công nghiệp. Sinh viên được tăng cường các học phần thí nghiệm, đồ án, kiến tập và thực tập tại doanh nghiệp. Đặc biệt, cơ sở đào tạo còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp, mời chuyên gia giảng dạy thực tế, tổ chức seminar nghiên cứu và các dự án ứng dụng thực tế.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng và kiến trúc tại Việt Nam với những thế mạnh vượt trội như hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đội ngũ giảng viên giàu chuyên môn và kinh nghiệm, phòng thí nghiệm vật liệu hiện đại, tiên tiến, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Lợi thế nổi bật của sinh viên ngành Kỹ thuật Vật liệu tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là được tiếp cận sớm với các dự án nghiên cứu thực tế, hoạt động tham quan, chương trình thực tập tại nhiều doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Người học được khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để tham gia các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học sinh viên.

 Sinh viên Khoa Vật liệu Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia và đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Khoa Vật liệu Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia và đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Ảnh: NTCC.

Bên cạnh đó, mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp – viện nghiên cứu – hiệp hội nghề nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội thực tập, tích lũy kinh nghiệm và việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Đây chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo gắn liền với thực tiễn, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, thúc đẩy sự bền vững đối với ngành Kỹ thuật Vật liệu nói riêng và lĩnh vực xây dựng – công nghiệp nói chung.

Năm 2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh hơn 100 chỉ tiêu đối với ngành Kỹ thuật Vật liệu.

Nhà trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, bao gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét học bạ trung học phổ thông theo tổ hợp môn phù hợp; Xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc điểm thi đánh giá năng lực do các trường đại học uy tín tổ chức.

Tiềm năng lớn dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Vật liệu tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Kỹ thuật Vật liệu là một trong những ngành trọng điểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành học này sau khi tốt nghiệp được đánh giá là rất đa dạng và giàu triển vọng, trải rộng trên nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Với nền tảng kiến thức chuyên sâu cùng kỹ năng thực hành được tích lũy trong suốt quá trình học tập, sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhiệm các vị trí công tác như tại doanh nghiệp sản xuất và kiểm định vật liệu, vật liệu mới; các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm kiểm định, cơ sở chuyển giao công nghệ vật liệu; các công ty xây dựng, giao thông, hạ tầng, tư vấn thiết kế hoặc xuất nhập khẩu vật liệu.

 Phòng thí nghiệm phục vụ cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại trường. Ảnh: NTCC.

Phòng thí nghiệm phục vụ cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại trường. Ảnh: NTCC.

Ngoài ra, thông qua các mối quan hệ của Khoa Vật liệu Xây dựng và nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội xin được học bổng để tiếp tục nâng cao trình độ với những chương trình đào tạo sau đại học, trở thành thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục ở cả trong và ngoài nước về kỹ thuật, khoa học vật liệu, môi trường, xây dựng,…

Ngành Kỹ thuật Vật liệu không chỉ dành cho những người đam mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, mà còn phù hợp với những ai sẵn sàng dấn thân vào thực tiễn – từ nhà máy, doanh nghiệp đến các dự án công nghệ – nhằm sáng tạo và đổi mới vật liệu phục vụ xã hội hiện đại.

"Kỹ thuật vật liệu là nền tảng cốt lõi của tiến bộ công nghệ. Người kỹ sư vật liệu chính là người tạo nên những giải pháp vật liệu thông minh, bền vững và hiệu quả cho sự phát triển hiện đại"

– Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Viết Thiên Ân bày tỏ.

Để theo đuổi ngành Kỹ thuật Vật liệu, các bạn trẻ có tư duy logic, niềm yêu thích khoa học, cùng đam mê khám phá vật chất và công nghệ sẽ có tiền đề thuận lợi để vững vàng bước vào làm chủ tri thức ngành học.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Kỹ thuật Vật liệu được khuyến khích rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp trong môi trường kỹ thuật, cũng như từng bước nâng cao khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành – một lợi thế quan trọng trong thời đại hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, tinh thần đổi mới sáng tạo, sự chủ động học hỏi và khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn sẽ giúp người học không chỉ theo kịp công việc, mà còn tiên phong trong các xu hướng công nghệ vật liệu hiện đại – nơi mà tri thức khoa học và nhu cầu xã hội luôn song hành và phát triển không ngừng.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội giới thiệu về "Ngành Kỹ thuật Vật liệu - Nền tảng cho công nghiệp hiện đại và phát triển bền vững" xem TẠI ĐÂY.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/huce-nganh-ky-thuat-vat-lieu-nen-tang-cot-loi-cho-cong-nghiep-hien-dai-va-ben-vung-post253124.gd