Hưng Yên tăng cường nhân lực, vật tư tại chỗ, chủ động đối phó bão Wipha

Hưng Yên đã ban hành chỉ đạo khẩn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan và các lực lượng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống bão theo phương châm '4 tại chỗ' đảm bảo sẵn sàng ứng phó với bão Wihpa (cơn bão số 3).

Theo thông tin từ ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, bão Wipha được nhận định là cơn bão mạnh với tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng. Bão dự kiến di chuyển theo hướng Tây, sau chuyển Tây Tây Nam, tiến về đất liền nước ta với tốc độ 20 - 25 km/h, đạt cường độ cấp 11 (103 - 117 km/h), giật cấp 14 khi vào Vịnh Bắc Bộ vào sáng 21/7. Từ chiều và tối cùng ngày, vùng biển ngoài khơi Hưng Yên sẽ chịu ảnh hưởng gió mạnh cấp 7 - 8, sau tăng lên cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 14. Đến sáng sớm 22/7, bão bắt đầu tác động lên đất liền, gây gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 13 ở các xã, phường ven biển và phía Nam tỉnh; khu vực phía Bắc tỉnh có gió cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10. Trong khoảng từ ngày 21 đến hết 23/7, toàn tỉnh sẽ có mưa lớn với lượng mưa phổ biến 200 - 300 mm, có nơi cao hơn. Đặc biệt, khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão có khả năng chậm lại và tăng cường độ, kéo dài thời gian gió mạnh trên đất liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Để đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 3, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, chỉ đạo các đơn vị khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi khẩn trương tiêu thoát nước, bảo vệ lúa, hoa màu, khu công nghiệp và đô thị khỏi ngập úng. UBND các xã, phường cần khơi thông dòng chảy, sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu úng, đồng thời duy trì thông tin liên lạc, cắt tỉa cây xanh, đảm bảo an toàn cho hệ thống viễn thông và lưới điện.

Đến 15 giờ 30 phút ngày 20/7, 1.064 phương tiện đã neo đậu an toàn tại bến trong tỉnh.

Đến 15 giờ 30 phút ngày 20/7, 1.064 phương tiện đã neo đậu an toàn tại bến trong tỉnh.

Các ngành, địa phương phải liên tục cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt; rà soát, thông báo kịp thời cho tàu thuyền trên biển; tổ chức di dời dân tại khu vực nguy hiểm; kiểm tra, củng cố phương án bảo vệ các trọng điểm đê kè, cống xung yếu, đặc biệt là các công trình đang thi công trên tuyến đê cửa sông, đê biển. Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cần sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó, bảo vệ đê.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại tài sản cho người dân. Đồng thời, các cấp cần khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bám sát địa bàn để chỉ đạo kịp thời. Chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án cứu hộ, cứu nạn trước cơn bão số 3.

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 18 tuyến đê dài hơn 436 km, với 63 trọng điểm xung yếu (54 điểm đê sông, 9 điểm đê biển và cửa sông), trong đó 5 trọng điểm cấp tỉnh; hệ thống phụ trợ gồm hơn 200 cống qua đê, 134 kè lát mái dài trên 200 km và gần 90 kho, bãi vật tư dự phòng.

Ông Phí Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các địa phương tuân thủ kỹ thuật hộ đê, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Vật tư sẵn sàng xuất kho theo lệnh, bổ sung từ doanh nghiệp nếu cần, và các xã báo cáo kịp thời khi vượt khả năng xử lý.

Xã Hồng Vũ, với phương châm “Chủ động – kịp thời – khẩn trương – hiệu quả”, đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, thành lập tổ phản ứng nhanh tại 24/24 thôn, huy động gần 300 người, dự trữ hơn 11.000 bao tải, 7.300 cây tre, bạt chống thấm, máy bơm, máy phát điện tại 3 cụm chính. Xã chuẩn bị lương thực, nước sạch, thuốc men, nơi sơ tán cho hơn 40 hộ dân ven đê sông Hồng và duy trì liên lạc 3 cấp xã-thôn-tổ liên gia. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 15h30 ngày 20/7, 1.132 tàu thuyền với 3.241 lao động đã được liên lạc, trong đó 1.064 phương tiện neo đậu an toàn tại tỉnh, 28 ngoài tỉnh, 39 hoạt động ven biển Thái Bình và 1 ngoài tỉnh.

Đại tá Tống Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng quân sự kiêm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, khẳng định đơn vị đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển và đơn vị biên phòng, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời hướng dẫn ngư dân neo đậu, chằng chống phương tiện an toàn. Các phương án di dời lao động từ chòi nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào nơi an toàn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì liên lạc với 100% chủ tàu thuyền trong và ngoài tỉnh, sẵn sàng 100% quân số, vật tư, phương tiện tại chỗ để ứng phó bão số 3, đảm bảo an toàn cho các xã ven biển.

Với diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Từ việc kiện toàn ban chỉ huy, chuẩn bị vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”, đến đảm bảo liên lạc với tàu thuyền và di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm, tất cả nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại tài sản. Toàn tỉnh quyết tâm thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo, sẵn sàng đối phó với bão, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Thu Hiền

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hung-yen-tang-cuong-nhan-luc-vat-tu-tai-cho-chu-dong-doi-pho-bao-wipha-100507.html