Hungary đề xuất làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga - Ukraine

* Hội đồng châu Âu tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga, Mỹ phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine

Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv, ngày 24.2.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv, ngày 24.2.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hungary ngày 25.2 cho biết nước này đã đề xuất trở thành quốc gia trung gian trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine liên quan tình hình căng thẳng hiện nay.

Theo Ngoại trưởng Peter Szijjarto, ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Andriy Yermak - bàn về vấn đề này.

Trong một video được đăng trên Facebook, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nêu rõ thủ đô Budapest của Hungary "là một địa điểm an toàn cho cả hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine."

Ông đồng thời cho biết cả Moskva và Kiev "đều không từ chối (đề xuất này), cả hai đều bày tỏ sự cảm ơn và đang xem xét lời đề nghị" của Hungary.

Ngoại trưởng Peter Szijjarto hy vọng rằng "trong vài giờ hoặc vài ngày tới các bên sẽ đạt được sự nhất trí về việc xúc tiến các cuộc đàm phán."

Hungary là nước thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quốc gia này cũng có mối quan hệ song phương tốt đẹp với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh, trước đó cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn của Nga tới Belarus để đàm phán với Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ Moskva "không có ý định chiếm đóng Ukraine," đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại với điều kiện lực lượng vũ trang của Ukraine "giải giáp vũ khí."

Mặc dù vậy, Mỹ đã ngay lập tức bác bỏ đề nghị này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu quan điểm của Washington rằng những đề xuất đàm phán trong bối cảnh giao tranh đang diễn ra không phải là "con đường ngoại giao thực sự.”

* Trong một diễn biến liên quan, Mỹ ngày 25.2 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov, liên quan tình hình căng thẳng hiện nay tại Ukraine.

Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki, lệnh cấm đi lại sẽ một phần trong các biện pháp trừng phạt này.

Trước đó, EU, Anh và Canada cũng thông báo về các lệnh trừng phạt tương tự nhằm vào Nga.

Riêng tại EU, đây đã là gói trừng phạt thứ hai đối với Nga được thông qua trong tuần này.

Các lệnh trừng phạt trên tác động đến lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời hạn chế khả năng công dân Nga lưu trữ lượng lớn tiền mặt trong các ngân hàng tại EU.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng nối dài danh sách các công dân Nga bị cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản ở EU.

Đáp lại những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các lệnh trừng phạt trên "là minh chứng về sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại" của phương Tây, đồng thời cảnh báo rằng sự việc "đã gần tới mức không thể quay lại như lúc đầu".

Hội đồng châu Âu tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga, Mỹ phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine

Hội đồng châu Âu ngày 25.2 thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, Hội đồng châu Âu thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này. Nguồn: Sputnik

Liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, Hội đồng châu Âu thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này. Nguồn: Sputnik

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ, theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu".

Thông báo trên được Hội đồng châu Âu đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Strasbourg (Pháp).

Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), Azerbaijan đã không tham gia bỏ phiếu, Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng, còn Nga và Armenia bỏ phiếu phản đối quyết định này.

Quyết định trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).

Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Việc đình chỉ không phải là biện pháp cuối cùng mà chỉ là giải pháp tạm thời, theo đó vẫn để ngỏ các kênh đối thoại".

Điều 8 trong Quy chế của Hội đồng châu Âu cho phép cơ quan này đình chỉ quyền đại diện và sau đó có thể khai trừ một nước thành viên.

Nga là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1996. Trước đó, hồi tháng 4.2014, PACE đã phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Hội đồng châu Âu. Tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ở phía bên kia chiến tuyến, ngày 25.2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo đó, ông Biden đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao phân bổ khoản viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này đang đấu tranh để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.

Trong biên bản ghi nhớ gửi Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Biden chỉ đạo khoản viện trợ 350 triệu USD được phân bổ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài (FAA) để hỗ trợ công tác quốc phòng của Ukraine.

Chu Văn (Báo Thế giới & Việt Nam)

Thanh Phương

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hungary-de-xuat-lam-trung-gian-hoa-giai-cho-xung-dot-nga-ukraine-33817.html