Hướng đến Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2023: Hành trình thắp lửa

Từ một giải thưởng dành để tôn vinh các cầu thủ nam xuất sắc nhất trong năm của bóng đá Việt Nam, đến nay, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP khởi xướng và tổ chức đã là một sự kiện bóng đá được chờ đón nhất vào dịp cuối năm - đầu xuân. Giải thưởng vừa là một lát cắt quan trọng, vừa kể những câu chuyện mang tính thời sự của một nền bóng đá đang khao khát vươn tầm.

1. Bây giờ, với sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội, mọi hoạt động nghề nghiệp của cầu thủ kể cả sinh hoạt đời thường, gần như ngay lập tức được cộng đồng yêu bóng đá biết đến. Nhưng gần 30 năm về trước, bóng đá Việt Nam ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Cầu thủ khi đó, còn được ví như những người “đá bóng lãnh lương”, không phải là ngôi sao công chúng như bây giờ, dù tài năng và mức độ nổi tiếng của họ thì không hề kém.

Như chuyện tiền đạo Trần Minh Chiến phải tiêm thuốc giảm đau để xin HLV Weigang đưa vào danh sách thi đấu trận bán kết SEA Games 1995, thì không phải ai cũng biết. Không có quyết định liều lĩnh, có thể dẫn đến một cái kết thảm khốc cho sự nghiệp của một ngôi sao đang lên, thì chưa chắc đã có bàn thắng vàng với cú demi-vô lê tuyệt đẹp của tiền đạo khoác áo đội Công an TPHCM để đưa Việt Nam vào chơi trận chung kết lịch sử đó.

Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã tạo nên những giá trị đặc biệt cho bóng đá nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã tạo nên những giá trị đặc biệt cho bóng đá nước nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bóng đá Việt Nam của 2-3 thập niên trước có vô số câu chuyện không được kể về sự gian khó của cầu thủ trong cuộc đời đá bóng, vừa là mưu sinh vừa là cống hiến cho hành trình tìm đến chân trời mới của bóng đá nội địa. Khi đó, bóng đá Việt đầy rẫy những thông tin tiêu cực, báo chí không có số lượng đông đảo như bây giờ, người hâm mộ cũng tiếp cận thông tin theo yếu tố cục bộ địa phương, chỉ biết rõ về cầu thủ của đội nhà. Cầu thủ đá bóng trên tinh thần “phục vụ công chúng” hoặc làm nhiệm vụ chính trị cho tỉnh, ngành; những “hy sinh” của họ, nhất là khi lên tuyển làm nghĩa vụ quốc gia, không phải ai cũng biết.

Đó chính là một trong những lý do để Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam ra đời. Và cầu thủ trở thành nhân vật trung tâm, bởi họ là người tạo ra các khoảnh khắc của chiến thắng, mang đến cảm xúc vỡ òa cho người xem - họ xứng đáng được tôn vinh. Năm 1995, kỳ trao giải thưởng đầu tiên được Báo SGGP tổ chức, đến nay cũng đã 28 mùa xuân.

2. Khi đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công nhận Quả bóng vàng Việt Nam là giải thưởng chính thức của bóng đá nước nhà và nhận được sự đồng ý gần như ngay lập tức từ VFF, Báo SGGP vừa vui mà cũng vừa có… áp lực. Vui vì sự ghi nhận đến từ tổ chức quản lý bóng đá, cũng như có người chia sẻ mục tiêu tốt đẹp mà giải thưởng đã tạo dựng suốt sau hơn 10 năm. Áp lực là việc duy trì và phát triển giải thưởng phù hợp với vị thế mới.

Thực tế là năm 2005, ngay thời điểm kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam được tổ chức, ban tổ chức đã phải đối diện với tình huống “tồn tại hay không tồn tại” sau scandal ở đội U23 tại SEA Games. Nếu chỉ là một sự kiện đơn thuần của cơ quan truyền thông, việc “tạm dừng”, “hủy bỏ”, ngẫm cho cùng cũng chỉ là quyết định mang tính nội bộ. Nhưng nếu là giải thưởng chính thức của nền bóng đá, thì đó là một câu chuyện khác.

Nhưng chính áp lực đó đã đưa Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vươn tầm. Từ hệ thống giải thưởng chỉ dành cho bóng đá nam, số lượng hạng mục trao giải đã mở rộng tối đa, bao gồm cả futsal - môn thi đấu có tuổi đời phát triển còn kém hơn Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam nhưng lại đạt được những thành tích đặc biệt với 2 lần dự World Cup. Nếu trước năm 2010, tiêu chí cống hiến nổi bật của cầu thủ trong màu áo đội tuyển quốc gia chiếm vai trò quyết định thì hơn một thập niên qua, hơn phân nửa các cầu thủ đoạt Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đến từ những CLB vô địch V-League, sự ghi nhận quan trọng dành cho những nỗ lực của cầu thủ trong đời sống bóng đá nội địa. Những thay đổi này một lần nữa giúp cho Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam củng cố vị thế của mình trên hành trình “thắp lửa” bóng đá Việt Nam.

Bóng đá là một vòng quay bất tận. Các thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau trên con đường có thăng, có trầm của nền bóng đá. Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam cũng phải vượt nhiều biến cố để gìn giữ các giá trị cốt lõi của một sự kiện tôn vinh các cầu thủ. Cứ sau mỗi sự kiện, những lời cảm ơn của người chiến thắng, các chuyên gia và của lãnh đạo VFF đã trở thành món quà giá trị nhất dành cho các nhà tổ chức. Vì đó là sự tiếp lửa quan trọng nhất để Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam có thể đi con đường dài từ năm 1995 đến bây giờ.

Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Những điều thú vị về giải thưởng

1. Giải thưởng Quả bóng vàng châu Âu do tạp chí nổi tiếng France Football khởi xướng vào năm 1956, do các nhà báo chuyên về bóng đá bầu chọn, từng được hợp nhất với giải thưởng của FIFA để trở thành Quả bóng vàng FIFA từ năm 2006-2016 thì trở lại phiên bản cũ, nhưng chỉ dành cho các cầu thủ nam. Trong khi đó, Quả bóng vàng Việt Nam cũng do một cơ quan truyền thông uy tín khởi xướng là Báo SGGP bắt đầu từ năm 1995. Điểm đặc biệt là Quả bóng vàng Việt Nam được mở rộng ra các hạng mục dành cho cầu thủ nữ (từ năm 2001) và cầu thủ futsal (từ năm 2015).

2. Trong suốt chiều dài lịch sử của Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, có đến 2 thủ môn được trao danh hiệu Quả bóng vàng nam, là Võ Văn Hạnh (năm 2001) và Dương Hồng Sơn (năm 2008). Trong khi, lịch sử Quả bóng vàng FIFA chỉ mới ghi nhận 1 thủ môn đoạt danh hiệu cao nhất là huyền thoại Lev Yashin (Liên Xô, năm 1963). Thậm chí, giải thưởng của Việt Nam còn ghi nhận có 2 nữ thủ môn từng được trao danh hiệu Quả bóng vàng nữ, là Nguyễn Thị Kim Hồng (năm 2002) và Đặng Thị Kiều Trinh (các năm 2011, 2012 và 2017).

3. CLB bóng đá nữ TPHCM là CLB duy nhất trong lịch sử Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam có đến 2 lần giành cả 3 danh hiệu Quả bóng vàng, bạc và đồng vào các năm 2004 (Đoàn Thị Kim Chi, Đỗ Hồng Tiến, Trần Thị Kim Hồng) và năm 2016 (Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Đặng Thị Kiều Trinh). Trong khi đó, CLB AC Milan là CLB duy nhất ở châu Âu cũng từng 2 lần giành trọn vẹn 3 danh hiệu vào các năm 1988 và 1989. CLB Barcelona cũng có 1 lần đoạt cả 3 danh hiệu vàng, bạc, đồng vào năm 2010 nhờ bộ ba Messi, Iniesta và Xavi.

P.MINH tổng hợp

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/huong-den-giai-thuong-qua-bong-vang-viet-nam-2023-hanh-trinh-thap-lua-post710810.html