Hướng đi mới của các hộ chăn nuôi lợn

'Cơn bão' dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã gây thiệt hại lớn cho 291 hộ, ở 144 thôn, xóm, tổ nhân dân thuộc 49 xã, phường, thị trấn. Để ổn định cuộc sống, bà con đang chuyển sang chăn nuôi gia súc lớn, gia cầm, thủy cầm và thủy sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn 17, xã Phú Lâm (Yên Sơn)
chuyển từ nuôi lợn sang đầu tư nuôi bò thịt.

Hiện tại, người chăn nuôi thay vì tái đàn lợn mà chuyển sang phát triển đàn bò, nuôi gà, nuôi vịt và cá. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn 17, xã Phú Lâm (Yên Sơn) cho biết, DTLCP bùng phát, gia đình không tái đầu tư chăn nuôi lợn mà chuyển sang mở rộng quy mô chăn nuôi bò vàng địa phương. Theo ông Tuấn, bò vàng địa phương rất phàm ăn, ít dịch bệnh, mắn đẻ nên hiệu quả kinh tế cao. Bò nái mỗi năm đẻ 1 lứa, bê con sau 1 năm chăn nuôi nếu bán thịt được khoảng 12 triệu đồng, bán giống được 13 triệu đồng. Nuôi bò chi phí đầu tư ít, thức ăn được tận dụng lại từ sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đại, xóm 5, xã Kim Phú ngay sau khi tiêu hủy xong đàn lợn bị nhiễm bệnh ông đã bắt tay vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Ông Đại cho biết, lợn bị chết lượng cám dư thừa còn nhiều. Trong lúc chưa thể tái đàn lợn, gia đình quyết định chuyển sang chăn nuôi gà thịt để lấy ngắn nuôi dài. Ông Đại tính toán, với 8 ô chuồng nuôi lợn trước đây giờ có thể nuôi vài trăm con gà. Nuôi gà khoảng 4 - 6 tháng được xuất bán, thu nhập sẽ ổn định trở lại.

Tại huyện Chiêm Hóa, hàng chục hộ dân bị thiệt hại do DTLCP thay vì tái đàn lợn bà con đang đề nghị huyện hỗ trợ kết nối tham gia chuỗi chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đang được triển khai trên địa bàn. Ông Đỗ Văn Thập, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang chia sẻ, cuối tháng 5 vừa qua, đàn lợn của gia đình đã bị nhiễm DTLCP phải tiêu hủy hết. Lo ngại dịch tái phát nên gia đình dừng kế hoạch chăn nuôi lợn, đăng ký nhận nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện tại, ông Thập đang vệ sinh, sửa chữa lại chuồng trại, tích trữ rơm rạ để cuối tháng 6 nhận trâu, bò về nuôi.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đơn vị liên kết với các hộ dân để chăn nuôi trâu, bò khẳng định, HTX đang thu mua trâu, bò giống để bàn giao cho các hộ chăn nuôi theo đúng hợp đồng liên kết. HTX sẽ ưu tiên những hộ đã có kinh nghiệm chăn nuôi, những hộ bị tổn thất do DTLCP đã có chuồng nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc vật nuôi theo đúng kỹ thuật.

Theo đánh giá của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, thủy cầm, gia súc lớn, thủy sản trong thời điểm này không những ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho bà con và bảo đảm nguồn thực phẩm trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, người chăn nuôi cần thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, vệ sinh kỹ chuồng trại; chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/huong-di-moi-cua-cac-ho-chan-nuoi-lon-118680.html