Hướng đi mới của các hợp tác xã nông nghiệp

Kể từ khi Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 có hiệu lực, bộ mặt kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đã có nhiều đổi thay rõ rệt theo hướng tích cực. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhiều HTX đã tổ chức liên kết với nhau hoặc liên kết với nông dân để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất, bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các đối tác.

Mô hình liên kết sản xuất cây gai xanh tại xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba của HTX Gai Cường Thịnh giúp người nông dân có thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Thích ứng để phát triển

Chỉ đạo các thành viên đóng gói rau củ, dán tem nhãn xong để vận chuyển đến các siêu thị và trung tâm thương mại, ông Nguyễn Văn Nghĩa- Giám đốc HTX Rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chia sẻ: “Hiện nay, ngoài 15ha đất sản xuất tại địa phương, HTX đang liên kết với gần 40 hộ nông dân ở các huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) để trồng các loại rau xứ lạnh với tổng diện tích gần 20ha. Tất cả đều được ký hợp đồng để bảo đảm các tiêu chuẩn theo VietGAP, ISO, xây dựng kế hoạch gieo trồng gối vụ… Nhờ đó, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đa dạng để cung ứng cho các đối tác, bảo đảm việc làm và thu nhập cho các thành viên với thu nhập bình quân khoảng tám triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi nhận thấy, việc liên kết sản xuất này rất thích hợp với phát triển của các HTX nông nghiệp hiện nay, vừa tạo được nguồn cung ứng ổn định, vừa giúp người nông dân có việc làm và thu nhập ổn định”.

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 579 HTX (trong đó có 501 HTX đang hoạt động, chiếm 86,5% và 78 HTX ngừng hoạt động, chiếm 13,5% tổng số HTX trên địa bàn), tăng 105 HTX so với năm 2013, trong số đó có 395 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, các HTX chuyên về sản xuất rau, củ, quả hoạt động khá hiệu quả, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc liên kết sản xuất vừa góp phần mở rộng vùng nguyên liệu vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

HTX Dịch vụ và nông nghiệp Mường Cúc, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn là HTX do những thanh niên thế hệ 9X đứng ra thành lập. Có sự nhạy bén và năng động của tuổi trẻ nên ngoài sản phẩm của các thành viên, HTX cũng mạnh dạn liên kết với nhiều hộ tại địa phương để đa dạng hóa sản phẩm. Từ một số sản phẩm chủ lực ban đầu như chè, hoa, mật ong… đến nay HTX đã có thêm các sản phẩm khác như rượu ngô, cam, bưởi, nho…

Ông Hà Văn Sao- Giám đốc HTX nhận định: “Việc liên kết sản xuất trở thành yếu tố bắt buộc đối với mỗi HTX nếu muốn phát triển ổn định và bền vững. Các siêu thị, trung tâm thương mại khi nhập hàng đều muốn từ một nguồn cung ổn định, có thể cung cấp nhiều mặt hàng liên tục. Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nguồn tài nguyên quan trọng nhất là đất đai ngày càng thu hẹp, người nông dân không muốn cho thuê để tích tụ đất đai nên liên kết sản xuất trở thành yếu tố then chốt để cả HTX và người nông dân cùng phát triển...”.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả cao như: Sản xuất ớt xuất khẩu tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê với diện tích tám ha, cho lợi nhuận 83 triệu đồng/ha; sản xuất gai xanh giống AP1 tại xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê và các xã: Ninh Dân, Chí Tiên, Hoàng Cương, huyện Thanh Ba... cho thu nhập bình quân 150- 200 triệu đồng/ha; sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối Tây quy mô 35 ha tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa cho thu nhập 6,3 tỉ đồng, hiện đang xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU... qua đó khẳng định hiệu quả của hướng đi mới, phù hợp với các HTX nông nghiệp hiện nay.

Lan tỏa các hình thức liên kết

Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 61 HTX nông nghiệp, 89 trang trại tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 66 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; khoảng 80 cơ sở chăn nuôi hợp tác liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX có chuỗi liên kết bước đầu góp phần tạo hướng phát triển bền vững cho kinh tế HTX, phù hợp với yêu cầu đổi mới của kinh tế thị trường. Một số địa phương bắt đầu có định hướng, đầu tư mạnh mẽ cho các HTX để hình thành các HTX chuyên ngành phát triển sản phẩm thế mạnh, liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững.

Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 28/8/2018 của Chính phủ (Nghị định 98) đã ban hành nhằm hỗ trợ chi phí tư vấn liên kết, cơ sở hạ tầng, khuyến nông, giống, bao bì, nhãn mác… Nghị định 98 ra đời chính là động lực để các HTX đẩy mạnh đầu tư theo mô hình chuỗi giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HTX khó khăn trong quá trình tiếp cận chính sách. Nguyên nhân được đưa ra là hồ sơ để xin hỗ trợ còn phức tạp, các quy định chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế địa phương.

Theo ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng... Từ đó giúp thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn.

Trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao, nhu cầu cạnh tranh trong thời gian tới, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng. Trong đó, để HTX có thể tồn tại, phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa HTX với thành viên, HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác theo mô hình chuỗi giá trị, nhằm cung cấp vốn, vật tư, máy móc, công nghệ, kỹ thuật cho đầu vào và bao tiêu sản phẩm của HTX, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/huong-di-moi-cua-cac-hop-tac-xa-nong-nghiep/187403.htm