Hướng tới bao phủ vaccine rota toàn quốc vào năm 2026
Chiến dịch truyền thông về vaccine rota của Bộ Y tế và UNICEF đạt kết quả tích cực, nâng cao nhận thức và thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng.
Chiến dịch truyền thông đại chúng trên toàn quốc với chủ đề "Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên” do Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc - UNICEF tại Việt Nam tổ chức đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng, đóng góp vào thành công bước đầu việc triển khai vaccine phòng virus rota (vaccine rota) trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Phát động vào tháng 3/2025, chiến dịch truyền thông đã cung cấp cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ những kiến thức thiết yếu về virus rota, nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ và lợi ích của việc tiêm phòng đúng lịch.

Trẻ được uống vaccine rota miễn phí tại Trạm Y tế xã Văn Hán, tỉnh Thái Nguyên.
Chiến dịch đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin đối với vaccine trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
Những kết quả truyền thông nổi bật góp phần hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ đưa ra quyết định đúng đắn, hành động kịp thời. Theo khảo sát do UNICEF thực hiện, 94% phụ huynh và người chăm sóc trẻ cho biết, họ quan tâm hơn đến việc tiêm chủng sau khi tiếp cận nội dung của chiến dịch.
Mức độ hiểu biết về vaccine rota cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ hiểu đúng tăng từ 65% lên 85%. Tỷ lệ phụ huynh có con trong độ tuổi phù hợp nhưng chưa hoặc không có ý định đưa con đi uống vaccine rota chỉ chiếm 0,34%. Đáng chú ý, 78% người tham gia khảo sát khẳng định, họ hiểu “rõ” hoặc “rất rõ” về vaccine này.
Theo số liệu thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế, tính đến hết tháng 5/2025, số liều vaccine rota được triển khai miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hơn 297.000 liều. Trong đó, gần 181.000 trẻ em được uống vaccine rota liều thứ nhất và hơn 116.200 trẻ hoàn thành đủ hai liều vaccine.
Vaccine rota được ghi nhận có tính an toàn cao, chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ có phản ứng thông thường sau tiêm chủng như nôn, sốt nhẹ hay tiêu chảy.
Các kết quả tích cực của chiến dịch khẳng định rõ vai trò then chốt của truyền thông trong việc góp phần đạt được các mục tiêu y tế cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Y tế và UNICEF tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc triển khai vaccine rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn quốc vào năm 2026.
Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng, bình đẳng với các loại vaccine an toàn và hiệu quả, đặc biệt là cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng thời giảm gánh nặng chi phí y tế cho các gia đình, giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-toi-bao-phu-vaccine-rota-toan-quoc-vao-nam-2026.778504.html