Hướng tới chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế cho doanh nghiệp Việt
Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) không còn là câu chuyện của riêng ngành kế toán, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: THU HIỀN)
Ngày 24/7 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế-Tài chính tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế – Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt”. Tọa đàm nhằm thảo luận những giải pháp thực tiễn trong quá trình chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế – một bước đi được xem là tất yếu trong hành trình hội nhập của doanh nghiệp Việt.
Từ năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/2020/QĐ-BTC phê duyệt phương án lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam. Đến năm 2024, tại Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024, sửa đổi, bổ sung 9 luật trong đó có Luật Kế toán, đã quy định Bộ Tài chính hướng dẫn chuẩn mực kế toán của Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; hướng dẫn phạm vi, lộ trình và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.
Như vậy, lộ trình từng bước áp dụng IFRS được đặt ra nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chủ động chuẩn bị thực hiện, phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực tài chính, kế toán. Đồng thời đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý tài chính, góp phần để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định rằng áp dụng IFRS không đơn thuần là thay đổi kỹ thuật kế toán, mà là sự chuyển dịch toàn diện trong tư duy quản trị, yêu cầu doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình, nâng cấp hệ thống công nghệ, chuẩn hóa dữ liệu và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán (Bộ Tài chính), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, cho biết: “GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 470 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 786 tỷ USD, tương đương 165% GDP. Những con số này thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, và vì vậy, IFRS không còn là mong muốn mà là một yêu cầu tất yếu.Việc áp dụng IFRS đang là xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu”.
Ông Trịnh Đức Vinh cũng nhấn mạnh, IFRS không phải là “rào cản” mà là “cơ hội” giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch, chuẩn hóa thông tin tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận vốn và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Việc áp dụng IFRS không chỉ giúp cải thiện chất lượng báo cáo tài chính, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán và khẳng định Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Ông Vinh cho biết, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng IFRS tại Việt Nam, trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Việc áp dụng sẽ mang tính tự chủ và tự nguyện, có tính đến đặc thù từng nhóm đối tượng. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế như ACCA, ICAEW tổ chức các khóa đào tạo miễn phí, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ kế toán, kiểm toán và lãnh đạo doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai IFRS trên thế giới và các kiến nghị cho Việt Nam, ông Trần Hồng Kiên, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng: “IFRS là bộ chuẩn mực dựa trên nguyên tắc, yêu cầu doanh nghiệp phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch. Để thực thi IFRS hiệu quả, điều tiên quyết là Ban giám đốc doanh nghiệp phải chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quy trình tài chính minh bạch. Việc chuyển đổi không bắt đầu từ bộ phận kế toán, mà từ cam kết thực chất của lãnh đạo”.
Từ góc độ thực tiễn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc đào tạo Công ty Auditcare & Partners Việt Nam (ACV) đánh giá: “Khó khăn lớn nhất không phải là chi phí hay công nghệ, mà là tư duy lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không nhìn IFRS như một chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, thì sẽ không có hành động cụ thể. Đây là thời điểm thuận lợi để chuyển đổi vì khung pháp lý, chính sách hỗ trợ và các chương trình đào tạo đã sẵn sàng”.
Tọa đàm cũng đi sâu vào các nội dung: Tại sao IFRS được coi là “ngôn ngữ chung” trong tài chính toàn cầu; tác động của IFRS đến hệ thống quản trị doanh nghiệp; lợi ích khi hội nhập IFRS; các rào cản thường gặp; vai trò của công nghệ như AI, RPA, ERP trong hỗ trợ lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế; và những đề xuất về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi.
Nhiều câu hỏi từ doanh nghiệp gửi tới tọa đàm, tập trung vào các bước triển khai cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí thực hiện, yêu cầu về dữ liệu, công nghệ, nhân lực cũng như các chương trình đào tạo đi kèm.
Theo các chuyên gia, trong hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng IFRS, nhiều nước có bối cảnh tương đồng với Việt Nam cũng đã chuyển đổi thành công nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức đào tạo. Vì vậy, để không bị “bỏ lại phía sau”, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy, chủ động chuẩn bị hệ thống dữ liệu, đầu tư công nghệ và đào tạo đội ngũ phù hợp ngay từ bây giờ.