Hướng Việt nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững

Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa được thành lập theo Nghị định số 08/2004/ NĐ-CP ngày 2/1/2004 trên cơ sở chia tách từ xã Hướng Lập. Trong những năm qua, cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Hướng Việt đã phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới.

 Đường vào xã Hướng Việt hôm nay. Ảnh: LA

Đường vào xã Hướng Việt hôm nay. Ảnh: LA

Sinh ra và lớn lên tại thôn Ktiêng, xã Hướng Việt, cũng như nhiều người dân tộc Vân Kiều nơi đây, gia đình ông Hồ Văn Liếp chủ yếu sống dựa vào rừng. Vì vậy, ngay khi có chủ trương giao đất, giao rừng của Nhà nước, gia đình ông đã mạnh dạn nhận hơn 4 ha đất rừng để trồng cây keo và bời lời, đồng thời tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Có đất, có rừng, ông đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật được tích lũy qua các lớp tập huấn vào phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hiện nay, trong tay ông có đàn bò 23 con, gần 4 ha rừng trồng, nhờ đó mà cuộc sống của gia đình có của ăn của để. Không những phát triển kinh tế cho riêng mình, ông còn tuyên truyền người dân trong thôn thay đổi tập quán canh tác, tận tình hướng dẫn các kĩ thuật mới để giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Thành, Hướng Việt là một xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn nằm ở phía Bắc huyện Hướng Hóa. Toàn xã Hướng Việt có 5 thôn với 336 hộ, 1.447 nhân khẩu, trong đó có 98% là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống từ bao đời nay. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 5,9 ngàn ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm diện tích 5,3 ngàn ha. Tuy nhiên do địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, khe suối, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, đất đai canh tác chỉ đạt khoảng 300 ha. Những năm qua, xã Hướng Việt luôn chú trọng thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khác, tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ công cụ lao động sản xuất, cây con giống, khoa học kĩ thuật. Từ đó các hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt… góp phần nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã có sự chuyển biến tích cực.

Tổng diện tích gieo trồng toàn xã trên 344 ha với các loại cây trồng chủ lực như lúa nước, lúa rẫy, ngô, sắn, bời lời… Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định, tổng đàn đạt trên 2.830 con; chất lượng ngày càng tăng và phát triển theo hướng hàng hóa, sản lượng xuất chuồng hằng năm ước đạt trên 41 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 8,5 triệu đồng/ người/năm. Nhiều hộ gia đình như hộ ông Hồ Văn Liếp, Hồ Văn Lát ở thôn Ktiêng, Hồ Văn Châu ở thôn Tà Puồng… có thu nhập hằng năm từ 50 - 80 triệu đồng.

 Xã Hướng Việt nhìn từ trên cao. Ảnh: LA

Xã Hướng Việt nhìn từ trên cao. Ảnh: LA

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Thành cho biết: Để khắc phục khó khăn, xã phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân trên địa bàn để tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhân rộng những mô hình làm kinh tế giỏi tại địa phương để mọi người học tập. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng được chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân xã Hướng Việt triển khai khá mạnh mẽ. Đơn cử như đối với bản Ka Tiêng, sau khi khảo sát xã đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn dài hơn 3km, cùng với hệ thống nước sạch, tổng kinh phí xây dựng hơn 2 tỉ đồng; xây dựng hệ thống thủy lợi với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng; góp cải thiện đời sống cho người dân. Đối với toàn xã Hướng Việt, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương hơn 40 tỉ đồng, xã đã vận động người dân hiến đất làm đường và hàng trăm ngày công trị giá hơn 1,5 tỉ đồng để tập trung xây dựng các tiêu chí nông thôn mới; trong đó ưu tiên các công trình dân sinh, hỗ trợ các mô hình sản xuất, tập huấn khoa học kĩ thuật, đào tạo nghề… Nhờ vậy, đến nay hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp; các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được quan tâm xây dựng đồng bộ, cứng hóa, bê tông hóa đảm bảo giao thông thông suốt. Đã xây dựng, cải tạo, nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương đảm bảo toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã cơ bản đã được tưới, tiêu chủ động. Hệ thống trường học, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học được chú trọng đầu tư, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; các chính sách ưu đãi cho giáo viên và học sinh, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học cũng được thực hiện theo quy định.

 Một buổi sinh hoạt gia đình của người Pa Kô. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng

Một buổi sinh hoạt gia đình của người Pa Kô. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. “Với việc thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, đến nay xã Hướng Việt đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay đang tập trung phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại. Xã luôn phối hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đó, xã còn luôn phối hợp với lực lượng biên phòng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát đường biên cột mốc; tổ chức kí cam kết các cụm dân cư biên giới, góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa hai bên. Tình hình an ninh trật tự, an ninh biên giới trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Hướng Việt nhiều năm liền được tặng cờ thi đua, bằng khen của huyện và tỉnh; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Thành, cán bộ và nhân dân xã Hướng Việt sẽ tiếp tục xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của xã; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cùng với đó là tập trung nguồn lực chính sách và vật chất xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng xã phát triển vững mạnh, toàn diện.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143502