Huyện Lương Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Đến hết năm 2021, huyện Lương Sơn có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, từ đầu năm đến nay, huyện Lương Sơn tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thông qua chương trình góp phần tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đầu tháng 7, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Lương Sơn đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 đối với sản phẩm chè Mỹ Tân của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Tân.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, năm 2022, huyện Lương Sơn đã bám sát định hướng, hướng dẫn thực hiện theo quy trình của Trung ương để tổ chức triển khai xây dựng chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Chương trình được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, coi trọng chất lượng, hướng tới sự phát triển bền vững. Huyện thực hiện kiện toàn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Tổ chức tuyên truyền và đăng ký ý tưởng, huấn chuyên môn về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh (SXKD), phát triển sản xuất và triển khai phương án phát triển SXKD; tập huấn công tác lập hồ sơ để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh.

Năm 2022, huyện Lương Sơn có 6 sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: Cao dây thìa canh, chủ thể HTX dược liệu Lương Sơn, xã Hòa Sơn; bột sắn dây của THT Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch; nhãn miền Cao Răm chủ thể HTX nông nghiệp Vai Đào, xã Cao Sơn; rượu cần Lâm Sơn chủ thể HTX sản xuất rượu cần xã Lâm Sơn; chè Mỹ Tân chủ thể HTX nông nghiệp Mỹ Tân và trà túi lọc cà gai leo chủ thể HTX Tuyết Nhi, xã Cao Dương.

Thông qua khảo sát, đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện và đơn vị tư vấn đánh giá sản phẩm Cao dây thìa canh, chủ thể HTX dược liệu Lương Sơn, xã Hòa Sơn là một trong những sản phẩm tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. HTX dược liệu Lương Sơn có diện tích trồng cây thìa canh là 2 ha, HTX thực hiện liên kết với các hộ dân trong xã để phát triển vùng nguyên liệu. HTX dược liệu Lương Sơn và Công ty CP Dược khoa (DK Pharma) để cung cấp giống, quy trình và kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế được chuyển giao từ PGS.TS Trần Văn Ơn. Để sản xuất cao dây thìa canh nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Công nghệ sản xuất áp dụng hệ thống quản lý ISO 2018:22000, công nghệ chiết xuất hiện đại, khép kín, áp suất giảm, hiệu suất cao, chiết kiệt và đảm bảo tối ưu nồng độ các hoạt chất. Hệ thống chiết xuất kín hoàn toàn, hệ thống nồi cô đặc chân không được đặt trong hệ thống phòng sạch kiểm soát cấp độ giúp đảm bảo quy trình sạch, kín từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Cao túi lọc đã có bao bì, tem nhãn sản phẩm.

Chương trình OCOP năm 2022 của huyện Lương Sơn đang đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Đầu tháng 7, Hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022. Đợt 1 đánh giá sản phẩm chè Mỹ Tân của HTX nông nghiệp Mỹ Tân, xã Cao Dương. Hội đồng đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP huyện Lương Sơn đánh giá sản phẩm chè Mỹ Tân có đầy đủ hồ sơ minh chứng, chất lượng đảm bảo, xây dựng được thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định. Hội đồng đánh giá sản phẩm chè Mỹ Tân đạt 74 điểm, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp huyện. Đồng thời, yêu cầu HTX nông nghiệp Mỹ Tân bổ sung hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để đề nghị Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thời gian tới, Lương Sơn tiếp tục tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm còn lại đảm bảo theo đúng tiến độ của tỉnh đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/168216/huyenluong-son-day-nhanh-tien-dothuc-hien-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham.htm