Huyện Tân Lạc: Vốn đến đúng chỗ khó

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tân Lạc đã lập dự toán sử dụng nguồn vốn được phân bổ, triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo ở 4 xóm đặc biệt khó khăn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) được hỗ trợ bò giống.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hộ nghèo ở 4 xóm đặc biệt khó khăn xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) được hỗ trợ bò giống.

Xã Ngọc Mỹ là vùng thấp của huyện, có 13 xóm, trong đó 4 xóm đặc biệt khó khăn xa trung tâm. Sau khi có nguồn vốn của chương trình, UBND xã tiến hành họp bàn, phân bổ nguồn vốn. Với vốn đầu tư năm 2022, Ngọc Mỹ được xây dựng mới 2 nhà văn hóa xóm Cóc 1, Cóc 2 và sửa chữa nhà văn hóa xóm Phung 2, Quạng 2. Đến nay, các công trình đã hoàn thành bàn giao và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xã được phân bổ 660 triệu đồng hỗ trợ sản xuất cho 38 hộ nghèo thuộc 4 xóm đặc biệt khó khăn.

Đồng chí Bùi Thị Giăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả trên tinh thần dân chủ, khách quan, chúng tôi triển khai họp xóm và bầu trưởng xóm là tổ trưởng. Các tổ họp bàn dân chủ đưa ra phương án mua bò để hỗ trợ người dân. Bà con được lựa chọn hình thức triển khai. Với số tiền hơn 30 triệu đồng/con bò giống, tổ chọn giống bò sinh sản nặng trên 220 kg và ưu tiên con bò đang chửa. Chỉ sau vài tháng, nhiều con bò đã sinh sản nên bà con rất phấn khởi.

Anh Bùi Văn Chiều, Trưởng xóm Cóc 2, xã Ngọc Mỹ cho biết: Nhiều năm nay, bà con xóm Cóc 2 không có nhà văn hóa. Mỗi khi họp xóm hay có việc của xóm đều phải mượn của hộ gia đình. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, xóm Cóc 2 được đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Công trình đến nay đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng. Ngoài ra, xóm có 12 hộ nghèo được hỗ trợ 6 con bò sinh sản. Xóm họp bàn và giao 2 hộ chăm sóc 1 con bò. Sau khi sinh sản chuyển sang hộ khác. Nguồn hỗ trợ này phù hợp với điều kiện và mong muốn của bà con trong xóm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết: Kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022 của huyện chuyển sang năm 2023 được giao 29,7 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các danh mục công trình đang thi công, một số công trình trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị nghiệm thu kỹ thuật để bàn giao đưa vào sử dụng. Nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ từ dự toán vốn sự nghiệp nguồn ngân sách T.Ư trên 14 tỷ đồng, với 8 dự án được triển khai thực hiện, kinh phí được phân bổ cho 18 cơ quan, đơn vị. Các dự án công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào khó khăn.

Năm 2023, huyện Tân Lạc được phân bổ 38 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Các công trình được phân bổ vốn đang triển khai thực hiện. UBND tỉnh giao nguồn vốn sự nghiệp trên 40 tỷ đồng với 8 dự án thành phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. UBND huyện đã giao dự toán kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn được giao dự toán. Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước. Việc thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án của chương trình đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng cao hơn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư góp phần giảm khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/182094/huyen-tan-lac-von-den-dung-cho-kho.htm