Hy vọng nào cho tương lai của mỹ thuật Việt?

Mới đây, tại phiên đấu giá Sotheby's Paris, bức sơn dầu 'Les Chanteuses de Campagne (Người hát dân ca) của Nguyễn Phan Chánh đã được chốt mức giá 1,02 triệu EUR, tức 1,09 triệu USD gồm thuế phí, và trở thành kỷ lục giá triệu đô đầu tiên của thị trường nghệ thuật 2024, bất chấp tình hình chung vốn ảm đạm trong gần 2 năm qua.

Hành trình trở về của những kiệt tác

Theo giám tuyển Ace Lê - Giám đốc Thị trường Việt Nam của Sotheby’s, Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một tên tuổi tiêu biểu cho mỹ thuật Đông Dương. Ông kế thừa phương pháp tạo hình hàn lâm Tây phương và giao thoa những kỹ thuật này với họa pháp tranh lụa phương Đông, đưa chất liệu này lên đỉnh cao với những kiệt tác kinh điển như “Chơi ô ăn quan” hay “Lên đồng”.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Tác phẩm “Les Chanteuses de Campagne” (Người hát dân ca) thể hiện một cách độc đáo tinh thần giao thoa ấy, khi được Nguyễn Phan Chánh thực hiện bằng sơn dầu trên toan khổ lớn với kích thước 90,5 x 102,5cm vào năm 1930, năm ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Tuy là sơn dầu, nhưng họa sĩ đã vẽ triện đỏ họa danh “Hồng Nam” (phía Nam núi Hồng Lĩnh), biên một bài thơ tiếng Hán theo lối vẽ văn nhân họa trên lụa phương Đông, ở dưới vẫn ký thêm “Nguyễn Phan Chánh 1930” bằng chữ quốc ngữ.

“Ngay từ sớm, Nguyễn Phan Chánh đã chọn cho mình một lối đi riêng với những chủ đề người lao động và làng quê giản dị mang đậm tinh thần nông thôn Bắc Kỳ, khác hẳn so với phong cách đài các lãng mạn của các bạn cùng thời bấy giờ như bộ tứ Phổ-Thứ-Lựu-Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thư á- Lê Thị Lựu - Vũ Cao Đàm), vốn đều có xuất thân từ tầng lớp quan lại. Với tông nâu trầm đặc trưng của Nguyễn Phan Chánh, “Người hát dân ca” vẽ hai cô gái ngồi xổm đối diện với nhau, đội nón quai thao, cầm quạt, bận áo nâu quần lĩnh, đi chân đất. Bố cục kim tự tháp chặt chẽ, tạo tương quan cận-viễn theo kỹ thuật Tây phương, được xẻ ngang bằng một đường kẻ vách đất, tạo cảm giác cho người xem cũng như đang ngồi xổm bên cạnh hai ca nương một cách suồng sã mà gần gũi” - giám tuyển Ace Lê khẳng định.

Họa sĩ Lê Phổ.

Họa sĩ Lê Phổ.

“Vì tính đặc sắc của tác phẩm, thầy Victor Tardieu đã tuyển bức “Người hát dân ca” gửi đi tham dự Đấu xảo Thuộc địa 1931 tại Paris cùng những tác phẩm lụa của Nguyễn Phan Chánh như “Bữa cơm” hay “Cô hàng ốc”. Tháng 1/1931, con tàu hơi nước S. Chantilly chở các tác phẩm của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương rời cảng Hải Phòng đến Marseille để trưng bày trong cuộc đấu xảo. Các tác phẩm này lập tức gây được tiếng vang lớn ở Pháp, và hầu hết tranh của Nguyễn Phan Chánh đều được các sưu tập chọn mua. Tháng 7/1931, ban tổ chức sự kiện đã làm một đêm tiệc cho Hiệp hội Y sĩ Pháp để thưởng lãm tranh, và tác phẩm “Người hát dân ca” đã được một cặp vợ chồng bác sĩ sưu tập. Tác phẩm được giữ trong tư gia họ từ 1931 rồi truyền xuống đời cháu, và đây là lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng sau gần 1 thế kỷ.

Một điều đặc biệt nữa, đó là ngay khi tác phẩm vừa ra đời, trước khi được gửi đi Paris, tác phẩm “Người hát dân ca” cũng đã được triển lãm tại phòng trưng bày của Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1930. Trong bức ảnh tư liệu, bức tranh được bày cùng với “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ, được gõ búa cũng tại Sotheby’s năm 2021 với mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD, hiện đang là tác phẩm Việt có giá gõ búa cao nhất lịch sử”, Ace Lê chia sẻ về giá trị của tác phẩm.

Như vậy, theo giám tuyển Ace Lê, việc giới thiệu tác phẩm “Người hát dân ca” có thể coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất với mỹ thuật Đông Dương nói chung và Nguyễn Phan Chánh nói riêng. Với những giao thoa Đông-Tây về cả kỹ thuật và tư tưởng, đây có thể coi là một trong những kiệt tác hiếm có, góp phần sớm định hình Nguyễn Phanh Chánh như một tên tuổi tiên phong đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Với mức giá này, “Người hát dân ca” đã lọt top 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại, đứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm. Và đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu đô, sau bức tranh lụa "Les Couturìeres (Những cô thợ may)" (1930) gõ búa 1,39 triệu USD năm 2020.

Bức tranh “Tình mẫu tử” của họa sĩ Lê Phổ.

Bức tranh “Tình mẫu tử” của họa sĩ Lê Phổ.

Ngoài tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, còn một số tác phẩm Việt đáng chú ý khác trong cùng phiên Sotheby’s Paris bao gồm “Parfum de fleurs” (Hương hoa) (c.1940s) của Lê Phổ (288.000 EUR), “La fenêtre (Bên cửa sổ)” (1952) của Mai Trung Thứ (84.000 EUR), “Buste de jeune indo-chinois” (Chân dung chàng trai Đông Dương) (1934) của Vũ Cao Đàm (60.000 EUR) và “Paysage au Nord du Vietnam” (Phong cảnh Bắc Kỳ) (c.1945) của nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (72.000 EUR).

Cũng trong thời điểm này, tác phẩm “Tình mẫu tử” của họa sĩ Lê Phổ nằm trong phiên đấu giá “Vente duplex so unique” cũng được gõ búa hơn 10 tỷ đồng (400.000 euro).Tác phẩm được Lê Phổ sáng tác vào khoảng 1935-1945. Nhà đấu giá Millon đánh giá cao giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại của tác phẩm này. “Tình mẫu tử”được các chuyên gia đặt ở vị thế đặc biệt, tiêu biểu xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ, đặc biệt trong chủ đề tình mẫu tử. Ông cũng là một trong những danh họa Việt Nam có nhiều tác phẩm được gõ búa với mức giá hàng triệu USD như “Gia đình trong vườn” có giá 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng), “Dáng hình trong vườn”có giá 2,29 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng),“Khỏa thân”(1,4 triệu USD, hơn 32 tỷ đồng),“Trà và đồng điệu” được gõ búa 1,36 triệu USD (32,4 tỷ đồng)...

Cần những “con mắt xanh” trong mỹ thuật

Theo giám tuyển Ace Lê, với dấu mốc này, thị trường mỹ thuật Việt Nam củng cố được thêm địa vị trong khu vực, và mở rộng cơ hội nhận diện cho mình trên sàn đấu quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tranh Việt hiện nay có giá vừa tầm, dòng tranh Đông Dương luôn được ưa chuộng vì có tiếng vang và đã định hình giá trị. Điều đáng mừng hơn là hiện nay đã có nhiều người Việt mua tranh, tạo cơ hội trở về cho những tác phẩm đã lưu lạc ở nước ngoài hàng thế kỷ.

Tác phẩm “Người hát dân ca” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (Ảnh: Facebook Ace Lê).

Tác phẩm “Người hát dân ca” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (Ảnh: Facebook Ace Lê).

Họa sĩ Đào Hải Phong cũng cho rằng, đây là một tín hiệu tốt cho thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đúng là chỉ người Việt mới tôn vinh nghệ thuật Việt (các nước khu vực họ cũng đã làm trước ta lâu rồi) như Trung Quốc, Malaysia… Họ coi các tác phẩm đó là tài sản của quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Nhưng theo họa sĩ Đào Hải Phong, đằng sau những cái giá triệu đô của các họa sĩ Đông Dương, chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì mới là điều quan trọng… Theo anh, bên cạnh việc mua những bức tranh của những họa sĩ đã thành danh, những giá trị đã định hình, chúng ta cần kích hoạt thị trường mỹ thuật Việt bằng cách mua tác phẩm của các họa sĩ trẻ. Thị trường mỹ thuật sôi động chứng tỏ hội họa đã trở thành một hàng hóa cao cấp. Nhưng hy vọng có sự phân bổ hợp lý hơn, cần những mạnh thường quân có “con mắt xanh” nhìn ra những tài năng và sưu tập tác phẩm của họ từ bây giờ để sau 20-30 năm nữa, nó trở thành những giá trị và chúng ta không phải đi vòng ra nước ngoài mua về những tác phẩm đó với giá cao ngất ngưởng.

“Chúng ta phải đi tìm những Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ trong tương lai bên cạnh việc sưu tập tác phẩm của các tác giả đã định danh mà tôi gọi là chơi đồ cổ. Đó chỉ là công việc tư hữu và đầu cơ thôi. Còn các họa sĩ trẻ đang bươn chải và trả giá cho cả cuộc đời họ để thành nghệ sĩ thì họ không có ai bảo vệ khi mà tranh của họ bây giờ có khi chỉ 100 USD. Phải mua tranh của họ khi chỉ 100 USD để sau này mình có thể bán 20.000 USD, thậm chí 200.000 USD”, họa sĩ Đào Hải Phong nói.

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/hy-vong-nao-cho-tuong-lai-cua-my-thuat-viet--i735351/