Hy vọng sáng lên từ những nốt trầm

Sự xuất hiện của vắc-xin COVID-19 có thể nói khó tin và kỳ diệu như một phép màu. Trong bối cảnh thế giới đang chìm trong hoảng loạn và chết chóc, vắc-xin COVID-19 đã làm thay đổi và thắp lên ngọn lửa hy vọng cho hết thảy người dân toàn cầu.

1. Từ cuối tháng 12/2020, Anh là quốc gia đầu tiên triển khai tiêm chủng đại trà, với mũi vắc-xin AstraZeneca. Mỹ bắt đầu tiêm cho người dân vắc-xin của Pfizer và Moderna. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc cũng tiến hành khởi động chủng ngừa trên toàn quốc với vắc-xin nội địa tự phát triển là Sputnik V và Vero Cell. Hàng loạt các quốc gia khác cũng chạy đua để triển khai kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng của mình.

Điểm nổi bật trong giai đoạn đầu triển khai vắc-xin trên thế giới chính là việc mỗi quốc gia lại có chính sách tiêm chủng riêng, do nguồn cung có hạn. Hầu hết các quốc gia đều ưu tiên tiêm những người cao tuổi, người có nguy cơ cao và những người ở tuyến đầu chống dịch.

Tuy nhiên, Indonesia lại có cách làm khác khi ưu tiên những người trẻ trong độ tuổi lao động thay vì nhóm dân số cao niên. Mục tiêu của cách tiếp cận này là nhằm mau chóng đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng và vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, Indonesia lý giải rằng, họ vẫn chưa có đủ dữ liệu đánh giá về hiệu quả của vắc-xin COVID-19 với những người lớn tuổi (ở thời điểm đầu năm).

Vắc xin Moderna cùng với Pfizer và Astra đang giúp các quốc gia ngăn chặn sự lây nhiễm của đại dịch - Ảnh: Getty

2. Israel là quốc gia đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong chiến dịch tiêm chủng khi trở thành quốc gia đạt độ phủ vắc-xin cao nhất thế giới trên đầu người dân chỉ sau 7 tháng triển khai tiêm chủng, với 78% người trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm, được tiêm đủ 2 mũi tính đến tháng 8/2021. Tính trên tổng dân số, Israel đạt 58% người dân tiêm đủ 2 mũi.

Việc triển khai nhanh chóng vắc-xin giúp Israel, Singapore, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu sớm được hưởng cuộc sống “bình thường mới”, với các hạn chế được gỡ bỏ, các quy tắc an toàn vệ sinh không còn bắt buộc như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Nhờ chính sách tiêm chủng, nhiều quốc gia bắt đầu được kiểm soát tốc độ lây lan của virus Corona và tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này thúc đẩy nhu cầu đi lại tăng lên, dẫn đến đòi hỏi cần sớm mở cửa biên giới trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trước đó đều khóa chặt bởi các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Nhân viên y tế chôn cất bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa trang ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP-JIJI

Ý tưởng hộ chiếu vắc-xin - một loại chứng nhận ghi nhận lịch sử tiêm phòng và thông tin về tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân - được đề cập như một biện pháp giúp những cá nhân đã tiêm vắc-xin có thể tự do đi lại.

Mặc dù vẫn còn những bất cập trong việc chấp nhập hộ chiếu vắc-xin trên toàn thế giới bởi mỗi nước lại áp dụng các tiêu chí khác nhau, nhưng đến nay hàng trăm quốc gia đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của nhau, giúp biên giới quốc tế được mở rộng.

Nhờ hộ chiếu vắc-xin, nhiều nước đã mạnh dạn thí điểm mở cửa du lịch, nhằm tạo thêm nguồn thu cho nền kinh tế vốn lao đao bởi đại dịch. Khái niệm “bong bóng du lịch”, hay “hành lang du lịch an toàn thời COVID-19” xuất hiện trong bối cảnh này. Đây là một hình thức các quốc gia hoặc địa phương cho phép khách tham quan, đi lại tự do, không phải cách ly khi nhập cảnh.

3. Tuy nhiên, niềm vui về sự xuất hiện của vắc-xin COVID-19 chưa được bao lâu thì những dữ liệu về sự suy giảm hiệu quả của vắc-xin đã dội gáo nước lạnh vào những tham vọng cho một sự trở lại “cuộc sống bình thường mới” của các quốc gia đang gia tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Vào ngày 5/7, Bộ Y tế Israel đã thông báo rằng vắc-xin Pfizer-BioNTech chỉ có hiệu quả 64% trong việc ngăn ngừa lây truyền và bệnh tật từ biến thể Delta, giảm so với mức 95% vào tháng Năm. Cơ quan quản lý y tế của Israel cho biết dữ liệu của họ cho thấy khả năng bảo vệ đã suy yếu ở những người tiêm vắc-xin vào tháng 1 hoặc tháng 2. Những phát hiện sau đó của các nhà khoa học từ Anh, Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới sau đó đều đưa ra những nhận định tương tự.

Một cậu bé người Mỹ phải học trực tuyến ở nhà sau một thời gian dài không được đến trường vì COVID-19. Ảnh: LUCY SCHALY

Vào ngày 11/7, Chính phủ Israel cho biết họ sẽ cung cấp một loại thuốc tăng cường cho người lớn có hệ miễn dịch kém. Sau đó, lần lượt Mỹ, Đức, Pháp và một số các quốc gia cũng thông báo kế hoạch triển khai mũi tiêm bổ sung, bất chấp những tranh luận về sự cần thiết hay không khi tiêm mũi thứ 3.

Tháng 11, thay vì tuyên bố chỉ tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao, Pháp cho biết sẽ áp dụng cho toàn bộ những người trưởng thành. Anh, Trung Quốc, UAE, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều có kế hoạch tiêm mũi vắc-xin bổ sung. Việc tiêm mũi bổ sung, hay một cách gọi khác là mũi nhắc lại được dự báo sẽ trở thành thường xuyên hơn để duy trì khả năng miễn dịch trước các biến thể của virus Corona.

4. Tuy nhiên, ngay từ đầu việc tiêm vắc-xin bổ sung đã vấp phải sự chỉ trích của WHO và nhiều nhà lãnh đạo thế giới, bởi sự bất bình đẳng vắc-xin diễn ra trầm trọng ngay từ khi nó được triển khai. Trong lúc tại châu Âu và Bắc Mỹ, số người được tiêm phòng lên tới 70-80% dân số, thì tại châu Phi con số này chỉ dừng ở mức khiêm tốn là 2%. Thống kê cho thấy, hơn 90% nguồn dự trữ vắc xin nằm trong kho của các nước phát triển. Bi hài ở chỗ, có quốc gia từng phải tiêu hủy hàng chục triệu liều vắc-xin vì hết hạn, thì vẫn có quốc gia chưa từng được cung cấp hoặc chỉ có một số lượng rất nhỏ vắc-xin.

Đỉnh cao của sự tương phản về tình trạng vắc-xin là hình ảnh những khán đài chật kín tại VCK EURO 2020 diễn ra ở 11 thành phố của 11 quốc gia châu Âu. Hàng chục nghìn cổ động viên có mặt trên sân, ôm nhau hò reo, cổ vũ bóng đá mà không phải dùng khẩu trang hay giữ khoảng cách, trở thành điều “bất thường”. Điều này như thể châu Âu là một thế giới hoàn toàn khác, giữa sự tự do và mạnh khỏe với phần còn lại ốm yếu và bị “gông cùm” thế giới bởi các hạn chế COVID.

Năm 2021, hàng chục lần Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và những nhân vật nổi tiếng thế giới kêu gọi các nước giàu có chia sẻ vắc-xin. Nhưng phải tới gần cuối năm, sau các cuộc họp của nhóm G7, G20, với những lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, việc chia sẻ vắc-xin mới được thúc đẩy một cách tích cực.

Ở góc độ thống kê, 2021 là năm mất mát vô cùng lớn khi mà số ca tử vong được báo cáo cao gấp 3 lần so với một năm trước đó, từ con số 1,92 triệu người tính đến ngày cuối tháng 12/2020 tăng lên tới hơn 5,2 triệu người.

Dù còn quá nhiều điều bất cập, thậm chí là bất bình đẳng trong câu chuyện phân phối, chia sẻ vắc-xin, thì trên hết, trong đêm đen của mất mát, sự hiện diện của vắc-xin COVID-19 vẫn là ngọn lửa thắp lên những hy vọng, tiếp thêm động lực cho hàng triệu triệu người dân khắp toàn cầu trong cuộc chiến hứa hẹn còn rất lâu dài với dịch COVID-19.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hy-vong-sang-len-tu-nhung-not-tram-post174228.html