IMF: Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm xung đột và nghèo đói

Một báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng các cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra đã ảnh hưởng ghê gớm đến các quốc gia dễ bị tổn thương, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng xung đột và nghèo đói.

Theo một báo cáo do IMF công bố hôm thứ Tư, các quốc gia dễ bị tổn thương và đang có xung đột vũ trang đã bị ảnh hưởng không tương xứng bởi tác động của biến đổi khí hậu và ít có khả năng giảm thiểu những tác động đó hơn các quốc gia khác.

 Iraq là một ví dụ điển hình khi trải qua nhiều thập kỷ xung đột, quản trị yếu kém đồng nghĩa với việc nước này không thể làm gì nhiều để giảm bớt hạn hán và nắng nóng. Ảnh: Getty

Iraq là một ví dụ điển hình khi trải qua nhiều thập kỷ xung đột, quản trị yếu kém đồng nghĩa với việc nước này không thể làm gì nhiều để giảm bớt hạn hán và nắng nóng. Ảnh: Getty

Các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột (được báo cáo gọi là FCS), là những quốc gia có vị trí và sự phụ thuộc vào nông nghiệp khiến họ dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt.

Họ cũng là những quốc gia dễ xảy ra xung đột nhất, điều này cản trở khả năng phục hồi sau các hiện tượng thời tiết bất thường mà theo IMF, xảy ra trung bình bốn năm một lần ở các quốc gia đó kể từ năm 1980.

Tình trạng này dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2040, các quốc gia đó sẽ chứng kiến khoảng hai tháng nhiệt độ trên 35 độ C so với chỉ 15 ngày nhiệt độ cao dự kiến ở các quốc gia khác.

Báo cáo cho biết: “Mặc dù các cú sốc về khí hậu có thể không gây ra sự bùng phát của xung đột mới", nhưng chúng “làm trầm trọng thêm cường độ xung đột ở nơi nó đã tồn tại”.

IMF dự đoán rằng nếu thế giới tiếp tục đi theo quỹ đạo phát thải cao hiện tại thì số ca tử vong do xung đột ở FCS có thể tăng từ 8,5% đến 14% vào năm 2060.

Vì FCS cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp - một lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những thay đổi của thời tiết - hạn hán gia tăng dự kiến sẽ làm giảm sản lượng lương thực, tăng lạm phát và đẩy thêm 50 triệu người vào tình trạng đói vào năm 2060.

Khoảng 1/5 quốc gia trên thế giới được phân loại là dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột, với dân số gần 1 tỷ người.

IMF kêu gọi các quốc gia dễ bị tổn thương này đưa ra các chính sách thích ứng với khí hậu, bao gồm “nông nghiệp thông minh với khí hậu”, “tăng quy mô chi tiêu xã hội, cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu” và “tăng cường mạng lưới an toàn xã hội”.

Báo cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực cung cấp hỗ trợ “nếu không, các tác động lan tỏa liên quan đến sự mong manh và xung đột có thể trở nên rắc rối hơn, bao gồm cả việc buộc phải di cư sang các quốc gia khác nhiều hơn”.

Các nước châu Phi đã kêu gọi các nước giàu hơn giúp chi trả cho việc thích ứng với khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Kenya sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi vào tuần tới, nơi các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng đạt được quan điểm thống nhất trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP28 vào tháng 11 tại UAE.

Mai Vân (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/imf-bien-doi-khi-hau-lam-tram-trong-them-xung-dot-va-ngheo-doi-post262737.html